Theo đó, trong phiên họp buổi sáng, với đa số phiếu tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019.
Sau khi biểu quyết thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, các đại biểu đã tiến hành thảo luận tại tổ về dự thảo Luật Kiến trúc. Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình tham gia thảo luận tại tổ số 5 cùng với Đoàn ĐBQH tỉnh Sơn La, Tây Ninh và Đà Nẵng.
Tham gia thảo luận ở tổ, đại biểu Nguyễn Phương Tuấn (Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình) cơ bản đồng tình với Tờ trình của Chính phủ về việc cần thiết phải ban hành Luật Kiến trúc để đáp ứng yêu cầu của sự phát triển và hội nhập.
Góp ý về phạm vi điều chỉnh và kết cấu dự án Luật, đại biểu Nguyễn Phương Tuấn cho rằng: kiến trúc là nghệ thuật, nên cho người làm nghệ thuật một không gian để sáng tạo, nếu gò bó sẽ không thể có những tác phẩm có giá trị cao. Vì vậy, các điều khoản trong quy định của Luật cần phải được tính toán, cân nhắc, bảo đảm khơi dậy sức sáng tạo của người làm kiến trúc.
Đặc biệt, trong quá trình hội nhập khu vực và quốc tế hiện nay, ban soạn thảo cần phải làm rõ hơn những quy định về hành nghề kiến trúc sư của người nước ngoài tại Việt Nam, đảm bảo phù hợp với các điều ước Quốc tế.
Về tên gọi của Luật, theo đại biểu hiện nay, các điều khoản trong dự thảo chủ yếu là quy định quản lý Nhà nước về kiến trúc. Vì thế nên đổi tên thành Luật Hành nghề kiến trúc hoặc Luật Quản lý Kiến trúc... như vậy sẽ phù hợp hơn.
Góp ý dự thảo Luật Kiến trúc, nhiều đại biểu trong tổ cũng góp ý về quy định các công trình kiến trúc; việc thu hồi chứng chỉ hành nghề kiến trúc; vai trò của Kiến trúc sư trưởng; quy định về Hội đồng kiến trúc; trách nhiệm, vai trò của người hành nghề kiến trúc trước những công trình bị thiết kế sai phép, sai quy hoạch làm méo mó bộ mặt đô thị dẫn tới những hệ quả cho công tác quy hoạch...
Buổi chiều, sau khi nghe Báo cáo và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Giáo dục (sửa đổi), Quốc hội tiến hành thảo luận ở tổ về dự án Luật này.
Mai Lan