Tham gia thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, đại biểu Nguyễn Thành Công (Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình) cho rằng việc sửa đổi Luật Xử lý vi phạm hành chính là cần thiết nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập trong thực tiễn.
Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật, đại biểu đã góp ý kiến về việc nâng mức phạt tiền trong một số lĩnh vực. Theo đại biểu: Dự thảo Luật dự kiến nâng mức phạt tiền đối với 11 trong số 103 lĩnh vực hiện hành. Trong các lĩnh vực được nâng mức phạt tiền lần này, có lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bảo vệ môi trường, an toàn thông tin mạng (trong đó có việc bảo vệ thông tin cá nhân trên môi trường mạng). Đây là hướng đi đúng để đáp ứng thực tiễn bức xúc trong vi phạm hành chính hiện nay cũng như góp phần tăng tính răn đe, phòng ngừa vi phạm chung.
Song, đại biểu cũng cho rằng, các mức tiền phạt cụ thể được dự kiến ấn định cho từng lĩnh vực là chưa hợp lý. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nên chỉnh lại theo hướng mức phạt tối đa đối với các hành vi xâm hại trẻ em (thuộc lĩnh vực "bảo vệ, chăm sóc trẻ em") không thấp hơn mức phạt tối đa trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Đại biểu cũng đề nghị điều chỉnh mức phạt tối đa trong lĩnh vực "khám, chữa bệnh, dược" không thấp hơn mức phạt tối đa của lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; mức phạt trong lĩnh vực an toàn thông tin mạng, nhất là đối với các hành vi xâm phạm quyền của cá nhân trong lĩnh vực bảo vệ thông tin cá nhân cần được nâng lên ở mức đáng kể hơn, thay vì chỉ là 100 triệu đồng như dự thảo.
Đại biểu dẫn chứng: Kinh nghiệm của một số quốc gia, vùng lãnh thổ cho thấy, mức phạt đối với hành vi xâm phạm quyền đối với thông tin cá nhân của người tiêu dùng dịch vụ viễn thông có thể lên tới 4% doanh thu năm tài chính trước đó của doanh nghiệp có hành vi vi phạm. "Trong điều kiện, các hành vi để lộ, lọt hoặc mua bán thông tin cá nhân đang diễn biến rất phức tạp hiện nay, ý thức tuân thủ pháp luật của nhiều doanh nghiệp, cơ quan trong lĩnh vực này còn khá hạn chế, việc nâng mức phạt trong lĩnh vực này là thực sự cần thiết để tăng tính răn đe, phòng ngừa"- đại biểu Nguyễn Thành Công nhấn mạnh.
Góp ý về quy định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nên nghiên cứu thêm để thu gọn đầu mối có thẩm quyền quyết định cưỡng chế việc thi hành quyết định xử phạt (thậm chí, về lâu dài, nên tính tới việc giao cho cơ quan nào có ưu thế nhất trong việc cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt) nhằm từng bước khắc phục tính nghiệp dư và tình trạng hiệu lực, hiệu quả chưa cao của công tác cưỡng chế này.
Cũng trong ngày, Quốc hội đã tiến hành biểu quyết thông qua 2 Nghị quyết: Nghị quyết về công nhận và cho thi hành phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp theo quy định của Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA); Nghị quyết về phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2018. Đồng thời biểu quyết thông qua 2 dự án luật: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP).
Vào cuối phiên họp buổi chiều, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi).
Mai Lan