Sau đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Trong phiên thảo luận tại hội trường đã có 24 vị đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến, hai ý kiến tranh luận, đồng chí Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân đã tiếp thu, giải trình làm rõ thêm một số vấn đề mà các vị đại biểu quan tâm. Qua thảo luận, đa số đại biểu Quốc hội biểu cơ bản tán thành với tờ trình, dự thảo luật và báo cáo thẩm tra, nhất trí với phạm vi sửa đổi, bổ sung của Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương như đề nghị của Chính phủ, nhằm thể chế hóa kịp thời các nghị quyết của Đảng, nghị quyết của Quốc hội và giải quyết được các vấn đề vướng mắc, bất cập của 2 luật hiện hành cũng như các vấn đề thực tiễn đang đặt ra đối với tổ chức, hoạt động của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, nhằm mục tiêu tinh gọn tổ chức bộ máy và đảm bảo hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Chính phủ cũng như chính quyền địa phương.
Thảo luận về khung số lượng các cơ quan chuyên môn của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và cấp huyện, quy định khung số lượng về biên chế ở các cơ quan này, có nhiều đại biểu đề nghị cần quy định rõ trong luật này khung số lượng cứng các cơ quan chuyên môn và khung mềm để sau này, các địa phương trên cơ sở hướng dẫn của Chính phủ sẽ quy định cho phù hợp với tình hình, đặc điểm của địa phương, tránh vấn đề quy định theo lối bình quân từ trước đến nay.
Đồng thời đề nghị đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, giữa Chính phủ với các bộ, cơ quan ngang bộ, giữa Chính phủ với chính quyền địa phương và giữa các cấp chính quyền địa phương với nhau để bảo đảm phát huy được sự chủ động, sáng tạo của địa phương nhưng cũng phải đảm bảo được tính thống nhất của nhà nước. Bên cạnh đó cần làm rõ vai trò giám sát, kiểm tra, thanh tra, vai trò của Mặt trận, các tổ chức đoàn thể trong vấn đề giám sát quyền lực của Nhà nước pháp quyền.
Một vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm của đại biểu Quốc hội, đó là quy định số lượng cấp phó của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện. Theo đó, đa số ý kiến đề nghị nên giữ như luật hiện hành, bởi chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân tùy thuộc vào rất nhiều yếu tố, trong đó có số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách, số lượng Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, số lượng các Phó ban chuyên trách của Hội đồng nhân dân.
Về số lượng kỳ họp HĐND, có đại biểu đề nghị cần quy định rõ số lượng kỳ họp của Hội đồng nhân dân, nhất là tăng kỳ họp của Hội đồng nhân dân cấp xã.
Buổi chiều, Quốc hội nghe Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 81/2014/QH13 ngày 21/11/2014 của Quốc hội về việc thi hành Luật Tổ chức Tòa án nhân dân. Ngay sau đó, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết này.
Cuối phiên họp buổi chiều, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.
Mai Lan