Đầu giờ phiên họp buổi sáng, các đại biểu Quốc hội tiếp tục chất vấn Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện về nhóm vấn đề thứ tư, tập trung vào các nội dung: Quản lý, bảo tồn và phát triển di sản văn hóa, quản lý nguồn thu từ các khu di tích, danh lam thắng cảnh; công tác quản lý hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng, phòng ngừa mê tín dị đoan; việc đầu tư, xây dựng và quản lý các công trình tâm linh; quản lý nguồn thu từ hoạt động tín ngưỡng, du lịch tâm linh; công tác quản lý và phát triển dịch vụ du lịch...
Cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về các vấn đề có liên quan có: Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Nội vụ, Công an.
Sau phần chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh thay mặt Chính phủ phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về các nội dung: Ngoại giao văn hóa, quảng bá du lịch; Giải pháp xử lý hàng hóa không rõ nguồn gốc gắn mác Việt Nam; giải pháp thúc đẩy du lịch phát triển bền vững; giải pháp ổn định dân cư vùng biên giới; hành động của Việt Nam trước căng thẳng thương mại Mỹ - Trung; phát huy các cơ hội trong triển khai các hiệp định FTA; giải ngân vốn ODA; bảo đảm nguồn nước ngọt vùng đồng bằng sông Cửu Long; giải pháp phòng chống tội phạm lợi dụng mạng xã hội để xâm hại trẻ em; giải pháp của Chính phủ nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án năng lượng tái tạo; giải pháp để bảo đảm xuất khẩu nông, thủy sản bền vững; vấn đề bảo vệ ngư dân trên biển..
Phát biểu kết luận phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ: sau 2,5 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm, Quốc hội đã hoàn thành phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Đã có 230 lượt đại biểu Quốc hội chất vấn và tranh luận. Phiên chất vấn diễn ra trong không khí sôi nổi, dân chủ, thẳng thắn và xây dựng.
Các đại biểu đã nêu câu hỏi ngắn gọn, rõ ràng, tập trung, đi thẳng vào vấn đề chất vấn. Nhiều đại biểu tranh luận, làm rõ các vấn đề quan tâm, đồng thời thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế với mong muốn Chính phủ, các bộ, ngành tiếp tục có các giải pháp phù hợp để khắc phục.
Các thành viên Chính phủ đã trả lời trực tiếp vào vấn đề được hỏi, không né tránh những vấn đề khó, phức tạp, giải trình làm rõ nhiều vấn đề đại biểu nêu; đồng thời nghiêm túc, thẳng thắn nhận trách nhiệm về những mặt còn tồn tại, hạn chế của ngành, lĩnh vực và cam kết khắc phục tạo sự chuyển biến tích cực trong thời gian tới.
Mặc dù thời gian chất vấn và trả lời chất vấn giảm so với các kỳ họp trước, nhưng số lượng các đại biểu tham gia và số lượng câu hỏi chất vấn tăng lên, điều đó cho thấy hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn vẫn luôn là một nội dung trọng tâm của kỳ họp. Câu hỏi chất vấn của các đại biểu Quốc hội một mặt thể hiện vai trò, trách nhiệm, quyền giám sát của Quốc hội, nhưng mặt khác cũng chính là sự đồng hành, chia sẻ với những khó khăn trong công tác quản lý, điều hành, đồng thời cũng là những gợi ý, bổ sung những giải pháp cho các chương trình, kế hoạch của Chính phủ, các bộ, ngành hướng tới giải quyết hiệu quả các tồn tại, hạn chế, đáp ứng niềm tin và sự mong mỏi của Nhân dân và cử tri cả nước.
Chủ tịch Quốc hội cho biết: Trên cơ sở chất vấn của các đại biểu Quốc hội và trả lời của các thành viên Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ nghiêm túc nghiên cứu, chuẩn bị nghị quyết để trình Quốc hội xem xét, thông qua vào cuối kỳ họp, làm cơ sở pháp lý cho việc giám sát việc thực hiện, đồng thời, giúp Chính phủ, các bộ, các ngành thực hiện tốt hơn nữa chức năng, nhiệm vụ của mình, nhất là những cam kết của thành viên Chính phủ trước Quốc hội.
Buổi chiều, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở Tổ về: Dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi); Dự án Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi); Việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 81/2014/QH13 ngày 24/11/2014 của Quốc hội về việc thi hành Luật Tổ chức Tòa án nhân dân.
Mai Lan