Phát biểu thảo luận tại tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước, đại biểu Mai Khanh (đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình) nhất trí việc bổ sung khoản 6b, Điều 10: "Thực hiện giám định tư pháp về tài chính công, tài sản công trong các vụ án tham nhũng theo trưng cầu của cơ quan tiến hành tố tụng theo quy định của pháp luật về giám định tư pháp". Theo đại biểu, đây là điều rất cần thiết cho các cơ quan tư pháp.
Bởi thực tế, nhiều vụ án tham nhũng lớn, việc trưng cầu giám định liên quan đến tài chính hiện gặp rất nhiều khó khăn, vì những đơn vị, những ngành chịu trách nhiệm giám định tư pháp hiện nay nhiều khi không đủ năng lực để giám định. Do đó những kết quả giám định phục vụ cho công tác điều tra, truy tố, xét xử gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, ngành kiểm toán rất tinh thông nghiệp vụ liên quan đến ngân sách nhà nước nên bổ sung là đúng.
Đại biểu Mai Khanh cũng bày tỏ băn khoăn về những quy định tại Điều 11 "về việc bổ sung quy định chế tài đối với các hành vi vi phạm pháp luật kiểm toán nhà nước và đơn vị được kiểm toán của các tổ chức, cá nhân có liên quan", và đề nghị Quốc hội nên chỉnh sửa, bổ sung vào Luật xử lý vi phạm hành chính thì đồng bộ hơn...
Tham gia thảo luận tại tổ, đại biểu Bùi Văn Phương, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình đồng tình với sự cần thiết phải van hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước, nhằm khắc phục một số khó khăn vướng mắc trong thực hiện Luật Kiểm toán Nhà nước và đặc biệt là rất cần thiết khi gần đây Đảng, Nhà nước đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng.
Góp ý cụ thể về những nội dung sửa đổi, đại biểu đồng tình với việc bổ sung quy định "Thực hiện giám định tư pháp về tài chính công, tài sản công trong các vụ án tham nhũng theo trưng cầu của cơ quan tiến hành tố tụng theo quy định của pháp luật về giám định tư pháp". Bên cạnh đó, đại biểu cũng bày tỏ băn khoăn về việc bổ sung khoản 4 Điều 30 (căn cứ để ban hành quyết định kiểm toán): "khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật".
Đại biểu đề nghị cần phải làm rõ "có dấu hiệu vi phạm pháp luật" là như thế nào nhằm tránh cho việc trùng lắp với hoạt động của các cơ quan điều tra, đồng thời cũng để tránh lạm quyền và tùy tiện.
Trước đó, trong phiên họp sáng, Quốc hội đã thảo luận về một số nội dung còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia.
Đã có 18 vị đại biểu Quốc hội được phát biểu tại hội trường và có 9 đại biểu Quốc hội tranh luận tại hội trường. Qua thảo luận, đa số ý kiến các vị đại biểu Quốc hội nhất trí với Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo luật.
Tuy nhiên, nhiều đại biểu cho rằng, hiện vẫn còn một số quy định trong dự thảo tính khả thi chưa cao, còn mang tính tuyên ngôn khẩu hiệu, ví dụ quy định cấm người chưa đủ 18 tuổi uống rượu, bia, xúi giục, kích động, ép buộc người khác uống rượu bia (khoản 7 Điều 5); cấm người chưa đủ 18 tuổi sử dụng rượu, bia (khoản 10, Điều 5); áp dụng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt (điểm d, khoản 1, Điều 16).
Quy định cấm cán bộ, công chức, viên chức người lao động uống rượu bia ngay trước và trong giờ làm việc trưc các trường hợp đặc biệt theo quy định của Chính phủ... Cũng có ý kiến cho rằng, hiện vẫn còn có nhiều quy định thể hiện sự chồng lấn với các dự luật khác, tính khả thi không cao và đề nghị nên chuyển thành một nghị quyết của Quốc hội về tình trạng xử lý, lạm dụng rượu, bia...
Đinh Ngọc