Trong phiên họp buổi sáng, Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Giáo dục (sửa đổi).
Qua thảo luận, các đại biểu cơ bản đồng tình cao với nhiều nội dung trong Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) và thống nhất cho rằng, dự thảo luật đã được tiếp thu, chỉnh sửa khá toàn diện, khắc phục được nhiều bất cập, hạn chế mà các đại biểu Quốc hội, cử tri, nhân dân đã góp ý và đóng góp thêm nhiều nội dung để hoàn thiện dự thảo luật.
Tham gia thảo luận tại hội trường, đại biểu Bùi Văn Phương, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh cơ bản nhất trí với báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Giáo dục (sửa đổi). Tuy nhiên, đại biểu cho rằng quy định về độ tuổi của giáo dục phổ thông như trong dự thảo luật là chưa hợp lý.
Đại biểu dẫn chứng: Hiện dự thảo quy định tuổi học sinh vào lớp 1 là 6 tuổi, lớp 6 là 11 tuổi và lớp 10 là 15 tuổi. Vậy, nếu các cháu cao hơn tuổi đó, tức là đi học thì có thi, có đỗ, có trượt, đánh giá thì có em được lên lớp, có em ở lại lớp. Việc các em vượt tuổi đó đi học là chuyện bình thường của giáo dục. Nếu chúng ta quy định như vậy thì coi như chúng ta đẩy các em phải lên lớp, đẩy các em phải tốt nghiệp mà không cần biết các em học tập và rèn luyện như thế nào. Bởi vì nếu các em ở lại là không đúng độ tuổi.
Đại biểu Bùi Văn Phương cũng cho rằng, cách đánh giá học sinh như hiện nay vô hình chung khiến các em học sinh ảo tưởng về năng lực của mình. Đại biểu đặt vấn đề: phải chăng đổi mới là cứ phải làm khác cũ. Chúng ta ngược lại xem cha ông chúng ta ngày xưa giáo dục thế nào, ông cha ta ngày xưa dạy con, cho con đi học, chọn thầy cho con là chọn thầy hay chữ, dữ đòn, thầy phải giỏi và nghiêm khắc. Chúng ta yêu thương con như thế nào, yêu cho roi cho vọt.
Trước đây, thời phổ thông đi học, chúng ta thấy ở lớp lưu ban là chuyện bình thường, có bạn lưu ban 2, 3 năm, tốt nghiệp cấp 2, cấp 3 tỷ lệ thấp là chuyện bình thường. Các thầy cô trách phạt học sinh nhưng học sinh và thầy cô vẫn tình cảm, vẫn yêu thương vì trách phạt của thầy cô là đúng, bởi sự trách phạt của thầy cô chính là những bài học cho học sinh.
Nhưng bây giờ thì giáo dục lại cho rằng, đánh giá bằng điểm, các cháu điểm thấp thì các cháu buồn, rồi đổi mới bằng việc là đánh giá không cần dùng điểm, cho các cháu lưu ban thì sợ các cháu tổn thương, cho các cháu không tốt nghiệp được thì cũng sợ các cháu tổn thương. Thầy cô bây giờ không dám động gì, không nghiêm khắc với học sinh vì sợ xã hội lên án…vậy, liệu tỷ lệ 100% khá, giỏi có đáng mừng hay không?
Do đó đại biểu đề nghị quy định chỉ quy định vào lớp 1 độ tuổi không dưới 6 tuổi, vào lớp 6 không dưới 11 tuổi và vào lớp 10 không dưới 15 tuổi. Còn những trường hợp đặc biệt chẳng hạn như hiện tượng "thần đồng", sẽ có quy định riêng của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Đồng tình với quan điểm của đại biểu Bùi Văn Phương, nhiều đại biểu cũng cho rằng không nên quy định cứng về độ tuổi như trong dự thảo Luật.
Các đại biểu đề nghị nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, điều chỉnh quy định lại theo hướng: Giáo dục tiểu học được thực hiện trong 5 năm học, từ lớp 1 đến hết lớp 5. Tuổi của học sinh vào học lớp 1 là không dưới 6 tuổi và được tính theo năm; Giáo dục trung học cơ sở được thực hiện trong 4 năm học, từ lớp 6 đến hết lớp 9. Học sinh vào học lớp 6 phải hoàn thành chương trình tiểu học. Tuổi của học sinh vào học lớp 6 là không dưới 11 tuổi và được tính theo năm;
Giáo dục trung học phổ thông được thực hiện trong 3 năm học, từ lớp 10 đến hết lớp 12. Học sinh vào học lớp 10 phải có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở. Tuổi của học sinh vào học lớp 10 là không dưới 15 tuổi và được tính theo năm.
Ngoài ra, để hoàn thiện toàn diện dự thảo luật trước khi thông qua, các đại biểu Quốc hội đề nghị Ban soạn thảo rà soát kỹ lưỡng về giải thích từ ngữ, thay thế các từ mượn đang được sử dụng trong dự thảo luật bằng các từ thuần Việt để đảm bảo sáng nghĩa, dễ hiểu.
Buổi chiều, Quốc hội thảo luận về Dự án Luật Kiến trúc.
Mai Lan