Theo đó, trong phiên thảo luận tại tổ, các đại biểu đã tập trung thảo luận về: Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2021; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2022; phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2020; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021; việc tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và việc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017.
Tham gia thảo luận tại tổ về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà, UVT.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình cho rằng công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đạt được nhiều kết quả khá tích cực, song cũng cho thấy những hạn chế cần sớm khắc phục, nhất là trong công tác lập thẩm định phê duyệt dự toán, quyết toán, quản lý sử dụng ngân sách.
Đại biểu dẫn chứng: Chương trình phục hồi kinh tế đến nay chưa triển khai được, đây là nguyên nhân rất lớn trong lãng phí nguồn lực. Hoặc Chương trình mục tiêu Quốc gia cho đồng bào dân tộc thiểu số được phê duyệt từ tháng 6/2020 nhưng đến tháng 10/2021 mới có quyết định, cuối năm 2021 mới ban hành các tiêu chí phân bổ nguồn và phải chuyển nguồn.
Trên thực tế nhiều nguồn vốn ngân sách của Trung ương thường đến tháng 7, tháng 8 hàng năm mới phân bổ, điều này gây khó khăn cho các tỉnh, thành phố… Do vậy, trong công tác lập thẩm định phê duyệt dự toán, quyết toán, quản lý sử dụng ngân sách đề nghị Trung ương phải linh hoạt hơn, đồng hành tháo gỡ về cơ chế cho các địa phương.
Một trong những nội dung được nhiều đại biểu quan tâm thảo luận đó là việc tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42. Một số đại biểu cho rằng kết quả xử lý nợ xấu chưa thực sự vững chắc, thực trạng nợ xấu cho thấy nền kinh tế vẫn tiềm ẩn rủi ro; một số biện pháp áp dụng theo Nghị quyết số 42 chưa phát huy hiệu quả (như áp dụng thủ tục rút gọn tại Tòa án...).
Đại biểu Mai Khanh (Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình) cho rằng việc xử lý nợ xấu then chốt chính là các tổ chức tín dụng được trực tiếp thu hồi các tài sản đảm bảo, đấu giá, thanh lý tài sản để thu hồi vốn. Tuy nhiên, việc tổng kết không đề cập đến vướng mắc của các cơ quan tố tụng.
Đại biểu đề nghị báo cáo cần làm rõ nguyên nhân những vướng mắc; cơ sở để kéo dài thời gian thực hiện Nghị quyết 42 một năm. Đồng thời đề nghị xem xét không nên kéo dài việc thực hiện Nghị quyết 42 mà cần nghiên cứu để sửa đổi tổng thể hệ thống pháp luật có liên quan, trong đó sửa đổi Luật các tổ chức tín dụng.
Tuy nhiên, trong phiên thảo luận cũng có nhiều ý kiến đồng tình với việc kéo dài thời gian thực hiện Nghị quyết 42 do các chính sách xử lý nợ xấu cần được tiếp tục duy trì, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp và những bất ổn chính trị trên thế giới sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội của đất nước.
Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình) cho rằng việc kéo dài thời gian thực hiện Nghị quyết 42 như đề xuất của Chính phủ là hợp lý. Để triển khai thực hiện Nghị quyết này tốt hơn, đại biểu đề nghị trong thời gian tới Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan liên quan, các địa phương khẩn trương xử lý dứt điểm những vướng mắc trong thực hiện Nghị quyết 42 thời gian qua.
Trong đó đẩy nhanh tiến trình cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước và nâng cao năng lực tài chính quản trị, tạo điều kiện để hệ thống các tổ chức tín dụng thực hiện xử lý nợ xấu. Chủ động nhận diện khoản nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu để chủ động có giải pháp ngăn chặn; nghiêm túc đánh giá khả năng thu nợ, đẩy mạnh quản trị rủi ro. Các tổ chức tín dụng cần mạnh tay trích lập quỹ dự phòng rủi ro tín dụng sát với thực chất các khoản nợ đã cơ cấu lại, đảm bảo nợ xấu được kiểm soát. Đề nghị Chính phủ cần có giải pháp hữu hiệu kiểm soát phát sinh nợ xấu; khơi thông nguồn vốn cho các doanh nghiệp…
Đại biểu cũng đề nghị song song với việc kéo dài thời gian thực hiện Nghị quyết 42, Chính phủ cần khẩn trương sửa đổi Luật Tổ chức tín dụng và phải luật hóa quy định về nợ xấu.
Buổi chiều, Quốc hội làm việc tại hội trường nghe Tờ trình và báo cáo thẩm tra dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) và thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án này.
Mai Lan