Trong phiên họp Quốc hội giành nhiều thời gian thảo luận ở hội trường về việc tách nội dung bồi thường, hỗ trợ tái định cư thành Dự án thành phần để triển khai Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Thảo luận về vấn đề này, đại biểu Bùi Văn Phương (Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình) nhấn mạnh về quy trình thực hiện Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành cần phải tuân thủ các quy định của pháp luật.
"Khi có báo cáo khả thi và được Hội đồng Nhà nước thẩm định và bảo đảm tính hiệu quả toàn diện của dự án về chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, môi trường thì mới quyết định đầu tư. Khi quyết định đầu tư mới giải phóng mặt bằng. Và nếu tách nội dung bồi thường, hỗ trợ tái định cư thành Dự án thành phần thì Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành cũng không triển khai sớm hơn được vì quá trình triển khai thu hồi mặt bằng, triển khai dự án khu tái định cư cũng mất rất nhiều thời gian. Chúng ta cần phải tuân thủ luật và phải tính toán kỹ lưỡng, tránh vi phạm"- đại biểu Bùi Văn Phương nói.
Đại biểu cũng cho rằng: Trong bản giải trình Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành có đề cập đến vấn đề xây dựng đô thị sân bay hiện đại. Nếu nói như thế, sẽ không thống nhất với báo cáo giải trình của Chính phủ về sự cần thiết xây dựng sân bay Long Thành được gửi trình Quốc hội trước đó.
Báo cáo này cho rằng, không thể xây dựng và phát triển sân bay trong nội thành vì rất không an toàn, vì rất ồn ào nên phải xây dựng sân bay Long Thành. Như vậy, rõ ràng là mâu thuẫn và không thống nhất trong các báo cáo. Ngoài ra, đại biểu bày tỏ lo ngại về nguồn vốn để xây dựng Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. "Trong bối cảnh của nhà nước còn hạn hẹp thì chúng ta cần phải tính toán để đảm bảo tính khả thi, giảm áp lực nợ công"- đại biểu Bùi Văn Phương đề nghị.
Trước đó, trong phiên họp buổi sáng, các đại biểu thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật thủy lợi.
Trong phiên họp thảo luận đã có 23 đại biểu phát biểu ý kiến và tham gia tranh luận. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường phát biểu giải trình làm rõ một số vấn đề mà các đại biểu Quốc hội quan tâm.
Theo đó, đa số ý kiến các vị đại biểu Quốc hội cơ bản tán thành với các ý kiến trong báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật thủy lợi (sửa đổi) của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Có nhiều ý kiến đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội phải chỉ đạo, rà soát các điều, khoản trong dự thảo luật cho khoa học, chặt chẽ, hợp lý và logic.
Đại biểu cho rằng, về bố cục, một số khái niệm về sự thống nhất của luật này với các luật khác, nhất là Luật tài nguyên nước, về chính sách của nhà nước trong hoạt động thủy lợi. Bên cạnh đó, cũng lưu ý cần đa dạng hóa hơn đầu tư về thủy lợi để có thể có thêm các thành phần kinh tế khác tham gia. Đầu tư xây dựng công trình thủy lợi, các công trình đầu mối để phục vụ cho nông nghiệp không tạo ra gánh nặng để đầu tư cho nông dân…
Đinh Ngọc