Trong quá trình thảo luận, đã có 29 đại biểu Quốc hội phát biểu. Các ý kiến thảo luận tập trung vào những nội dung: Phạm vi điều chỉnh, bố cục của Luật; giải thích từ ngữ; hành vi bị cấm trong hoạt động quy hoạch; những nguyên tắc cơ bản trong hoạt động quy hoạch và nguyên tắc lập quy hoạch; thời kỳ quy hoạch; chi phí cho hoạt động quy hoạch; chính sách của Nhà nước về hoạt động quy hoạch; quy định chi tiết thi hành Luật Quy hoạch; đề nghị ban hành Nghị quyết thi hành Luật Quy hoạch; Về hệ thống quy hoạch quốc gia (Quy hoạch tổng thể quốc gia, Quy hoạch không gian biển quốc gia, Quy hoạch sử dụng đất quốc gia, Quy hoạch ngành quốc gia, Quy hoạch vùng, …); mối quan hệ giữa các loại quy hoạch; Về lập quy hoạch (nguyên tắc lập quy hoạch; nội dung quy hoạch; quy trình phối hợp; giải pháp tích hợp trong lập quy hoạch; đánh giá tác động môi trường trong lập quy hoạch; lấy ý kiến về quy hoạch; phản biện về quy hoạch); Về thẩm định, quyết định phê duyệt, công bố và thông tin quy hoạch (Hội đồng thẩm định quy hoạch; nội dung thẩm định quy hoạch; hình thức công bố quy hoạch; hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quy hoạch quốc gia); Về thực hiện quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch (quản lý quy hoạch ngoài thực địa; nguyên tắc, căn cứ, trình tự, thủ tục và thẩm quyền điều chỉnh quy hoạch); Về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động quy hoạch (đánh giá thực hiện quy hoạch và nội dung đánh giá thực hiện quy hoạch; nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, chính quyền địa phương; xử lý các vi phạm trong hoạt động quy hoạch); Về các quy định chuyển tiếp quy hoạch và xử lý các quy định hiện hành về quy hoạch, hiệu lực thi hành quy hoạch…
Trong phiên thảo luận ở hội trường, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã báo cáo, cung cấp thêm thông tin, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Buổi chiều, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng. Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình tham gia thảo luận tại tổ số 11 cùng với Đoàn ĐBQH các tỉnh: Cần Thơ, Phú Thọ và Bình Thuận.
Thảo luận, cho ý kiến vào dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, đại biểu Bùi Văn Phương và đại biểu Mai Khanh (Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình) đều nhất trí với việc cần thiết phải ban hành Nghị quyết này nhằm góp phần giải quyết nợ xấu- vốn được coi là "cục máu đông" của nền kinh tế.
Tuy nhiên, các đại biểu cho rằng, Nghị quyết cần phải xây dựng lại về cơ cấu, rà soát lại với các quy định của Luật tố tụng dân sự và Bộ luật dân sự để các nội dung, điều khoản trong Nghị quyết có tính khả thi cao. Bởi hiện tại, một số quy định như quy định tại điều 7, điều 8 của dự thảo Nghị quyết vẫn còn chưa chặt chẽ, thiếu tính khả thi.
Ngoài ra, các đại biểu cũng trao đổi, làm rõ một số vấn đề về giải thích từ ngữ, về cấu trúc của các điều, khoản trong dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.
Mai Lan