Trong phiên thảo luận đã có 26 vị đại biểu Quốc hội phát biểu và tranh luận. Theo đó, đa số các đại biểu Quốc hội tán thành với Báo cáo giải trình tiếp thu chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và dự thảo luật.
Đồng thời khẳng định sự cần thiết phải sửa đổi Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước để bảo đảm quyền được bồi thường thiệt hại của cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của Hiến pháp và pháp luật và để tăng cường trách nhiệm thi hành công vụ kỷ luật, kỷ cương, không ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức.
Các đại biểu Quốc hội cũng cho rằng đây là một chế định quan trọng rất dân chủ và tiến bộ nhưng cũng phải bảo đảm tính khả thi và phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của nước ta.
Bên cạnh đó, các đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận về một số nội dung: phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước; về thiệt hại được bồi thường; về xác định các cơ quan giải quyết bồi thường phục hồi danh dự; về trách nhiệm hoàn trả...
Theo đó, một số đại biểu cho rằng, về nguyên tắc bồi thường của nhà nước (được quy định tại Khoản 2, Điều 4) cần tuân thủ nguyên tắc thiệt hại đến đâu, bồi thường đến đó. Việc thương lượng nếu có, phải mang tính nhân văn. Nghĩa là thương lượng để thúc đẩy quá trình bồi thường nhanh hơn, có lợi cho nhân dân hơn, chứ không phải đem thương lượng ra để nhằm giảm bớt nghĩa vụ bồi thường.
Về trách nhiệm cơ quan giải quyết bồi thường trong hoạt động tố tụng hình sự (Điều 34, 35, 36), theo báo cáo giải trình dự án luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho giữ nội dung này như dự thảo luật Chính phủ đã trình về cơ bản giữ nguyên trên tinh thần của Luật trách nhiệm bồi thường nhà nước năm 2009, với nguyên tắc chung là cơ quan ra quyết định gây oan sai cũng phải chịu trách nhiệm bồi thường.
Thảo luận về vấn đề này, có đại biểu cho rằng, quy định như vậy là chưa thực sự tháo gỡ được một trong những hạn chế, vướng mắc của Luật trách nhiệm bồi thường Nhà nước hiện nay, bởi quy định như dự thảo sẽ đồng nghĩa với việc có rất nhiều cơ quan giải quyết bồi thường dẫn đến việc bồi thường Nhà nước sẽ không được thể hiện một cách thống nhất và khó có thể triển khai việc bồi thường một cách khách quan và cầu thị.
Hơn nữa, trong thực tế, đặc biệt là trong các giai đoạn tiến hành tố tụng, có những "điểm rơi" khó xác định một cách rõ ràng, rành mạch, cơ quan nào là cơ quan trái quy định gây oan sai sau cùng. Đó là chưa kể việc các cơ quan sợ trách nhiệm, lo ảnh hưởng đến uy tín của mình, của ngành nên đã đẩy quả bóng trách nhiệm sang cho ngành khác.
Mặt khác, cách làm như Luật bồi thường trách nhiệm nhà nước hiện nay đang dẫn đến tâm lý sợ trách nhiệm khi thi hành công vụ dẫn đến thận trọng quá mức giữ mình an toàn trong khi thi hành công vụ, nhất là trong công tác điều tra truy tố, xét xử theo Luật tố tụng hiện hành có thể ảnh hưởng đến công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, làm giảm tính chiến đấu và tính thực thi pháp luật bảo vệ công lý của cán bộ ngành tư pháp....
Buổi chiều, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 và điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017 và thảo luận về dự kiến Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2018.
Mai Lan