Tham gia thảo luận, các đại biểu đã tập trung đi sâu phân tích các quy định trong dự thảo về: hành vi giết người được trợ giúp pháp lý; về nguồn tài chính cho công tác trợ giúp pháp lý; về tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý; về cộng tác viên trợ giúp pháp lý...
Theo đó, đa số đại biểu thống nhất với dự thảo và báo cáo giải trình tiếp thu chỉnh lý dự thảo Luật trợ giúp pháp lý của Ủy ban thường vụ Quốc hội.
Tuy nhiên, để luật đáp ứng được kỳ vọng của người dân, đặc biệt là đối tượng yếu thế, một số đại biểu đề nghị về nguyên tắc hoạt động trợ giúp pháp lý (Điều 3), dự thảo làm rõ quy định liên quan đến quy tắc nghề nghiệp trợ giúp pháp lý, chủ thể có thẩm quyền ban hành quy tắc nghề nghiệp trợ giúp pháp lý là cơ quan nào.
Về diện người được trợ giúp pháp lý (Điều 7), có đại biểu cho rằng, quy định như hiện nay đã thu hẹp diện người được trợ giúp pháp lý hơn so với quy định của các luật chuyên ngành. Vì vậy, các đại biểu đề nghị dự thảo luật giữ nguyên quy định các trường hợp theo pháp luật hiện hành.
Về nguồn tài chính cho công tác trợ giúp pháp lý (Điều 5), các đại biểu cơ bản thống nhất như quy định dự thảo. Tuy nhiên, trên thực tế trong thời gian qua, trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tổ chức dưới mô hình đơn vị sự nghiệp không thu nên kinh phí hoạt động chủ yếu do ngân sách đảm bảo. Trong khi đó, nhu cầu trợ giúp pháp lý ngày càng tăng, đặc biệt là người nghèo, người dân vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số dẫn đến không có cơ hội tiếp cận dịch vụ trợ giúp pháp lý một cách đầy đủ.
Để khắc phục vấn đề này, đại biểu nghị cùng với việc mở rộng đối tượng trợ giúp pháp lý phải tính đến việc thu một phần chi phí trên cơ sở phân loại đối tượng theo mức độ ưu tiên và theo mức độ thu nhập hàng tháng, tạo nguồn kinh phí bổ sung, đồng thời là động lực để trung tâm nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng thu nhập cho cán bộ, viên chức tham gia trợ giúp pháp lý, tương tự như một số nước phát triển đã thực hiện.
Gắn với đó là việc đổi mới cơ chế hoạt động của trung tâm sang tự chủ, tự chịu trách nhiệm về việc thực hiện nhiệm vụ tổ chức bộ máy biên chế và tài chính theo quy định tại Nghị định số 16, ngày 4/2/2015 của Chính phủ quy định về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập...
Buổi chiều,các đại biểu tiến hành thảo luận ở tổ về việc tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án thành phần để triển khai Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Trước khi thảo luận tổ, Quốc hội đã nghe Tờ trình và báo cáo thẩm tra về việc tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án thành phần để triển khai Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Tham gia thảo luận tại tổ về vấn đề này, đại biểu Bùi Văn Phương (Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình) bày tỏ băn khoăn việc tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án thành phần liệu có đúng quy định của luật đầu tư? Bởi báo cáo nghiên cứu tính khả thi chưa có, tất cả thông số về mặt kỹ thuật chưa có nên Chính phủ chưa quyết định đầu tư dự án. Quyết định đầu tư dự án chưa có mà lại triển khai giải phóng mặt bằng thì rõ ràng chưa bảo đảm về quy trình theo luật.
Đại biểu đặt vấn đề, "giả sử đến năm 2019 theo lộ trình thì Chính phủ mới làm báo cáo về tính khả thi của dự án và thấy rằng khả năng nếu đầu tư thì không thành công, trong khi đó chúng ta đã thực hiện xong bước giải phóng mặt bằng rồi thì sẽ xử lý ra sao?".
Một vấn đề khác được đại biểu Bùi Văn Phương đề cập đó là nguồn lực để thực hiện dự án. "Trong bối cảnh ngân sách còn rất khó khăn, áp lực nợ công tăng thì nguồn lực để thực hiện là rất khó khăn. Do vậy, tôi đề nghị cần tính toán đến lộ trình và có giải pháp hữu hiệu để bảo đảm tính khả thi của dự án"- đại biểu Bùi Văn Phương nói.
Mai Lan