Trong phiên thảo luận đã có 14 đại biểu phát biểu ý kiến, có 5 đại biểu tranh luận về nội dung mà đại biểu quan tâm. Theo đó, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội đều tán thành với các ý kiến trong báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước sửa đổi của Ủy ban thường vụ Quốc hội.
Tuy nhiên, có nhiều ý kiến đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội chỉ đạo sửa đổi nhiều điều trong dự án luật cho khoa học, chặt chẽ, hợp lý và hợp lôgic, như vấn đề phạm vi quản lý tài sản công, quản lý tài sản cho doanh nghiệp nhà nước như thế nào, trong đơn vị sự nghiệp như thế nào và nên hay là không nên cho phép kinh doanh đối với tài sản nhà nước thừa công năng.
Việc quản lý và sử dụng kho số, việc thế chấp tài sản để vay vốn, việc sử dụng tài sản để sau nghiên cứu khoa học và công nghệ như thế nào và vấn đề tiết kiệm nên sử dụng khu vực hành chính tập trung, vấn đề các điều cấm...
Đồng thời đề nghị rà soát lại quy định mang tính nguyên tắc về việc sử dụng tài sản công vào mục đích liên doanh, liên kết và bảo đảm yêu cầu không làm mất quyền sở hữu tài sản của nhà nước được quy định tại Điều 54, khoản 2, điểm C và Điều 57 Khoản 2 của dự thảo. Cần cân nhắc quy định cho phép các cơ quan nhà nước được sử dụng khai thác tài sản công chưa sử dụng hết công năng vào mục đích cho thuê, khai thác theo Điều 35 của Dự thảo.
Ngoài ra, các đại biểu đóng góp ý kiến vào quy định công khai thông tin tài sản công (khoản 3 Điều 9); quy định về việc không thực hiện đầy đủ trách nhiệm và nghĩa vụ trong việc quản lý tài sản công (khoản 8 vàKhoản 9 Điều 11)...
Các đại biểu cũng kiến nghị cần bổ sung thêm nội dung, quy định, trách nhiệm lập đề án, thẩm định, phê duyệt đề án khi sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh của tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp.
Trong phiên thảo luận, đại biểu Bùi Văn Phương (Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình) đã tranh luận về vấn đề xác định tài sản nhà nước theo quy định tại Điều 4 Dự thảo luật. Đại biểu cho rằng, việc quy định việc đấu giá biển số xe đẹp cần phải cân nhắc, bởi biển số đẹp và số người cần không phải là nhiều, thường là chủ sở hữu xe giá trị lớn. "Người dân muốn biển số đẹp nhưng được thì quý mà không thì cũng không sao. Liên quan đến quy định của Hiến pháp, nếu đấu giá tôi mua được biển số đó là tài sản của tôi thì tôi có quyền đem bán, lúc đó quản lý ra sao?".- Đại biểu Bùi Văn Phương nêu vấn đề. Vì vậy, cần cân nhắc quy định này để đảm bảo tính khả thi của Luật.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cũng đã phát biểu giải trình làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.
Buổi chiều, Quốc hội nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Du lịch (sửa đổi) và thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Du lịch (sửa đổi).
Mai Lan