Đại biểu Nguyễn Phương Tuấn (Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình) phát biểu thảo luận tại hội trường.
Thảo luận tại hội trường, đại biểu Nguyễn Phương Tuấn (Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình) nhất trí với báo cáo giải trình, tiếp thu của Ủy ban thường vụ Quốc hội về nội dung của dự thảo Luật đường sắt (sửa đổi). Tham gia góp ý cụ thể về nội dung chính sách phát triển của đường sắt (được quy định tại Khoản 1, Điều 5), đại biểu cho rằng, dự thảo luật lần này mới quy định nhà nước ưu tiên tập trung nguồn lực để đầu tư phát triển, bảo trì, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải đường sắt đã được phê duyệt.
Như vậy, có thể thấy quy hoạch phát triển của mỗi ngành, lĩnh vực phải dựa trên chính sách phát triển của ngành, lĩnh vực đó chứ chính sách phát triển không phải theo quy hoạch đã được phê duyệt. Vì vậy, nội dung quy định tại Khoản1, Điều 5 của dự thảo luật sửa đổi lần này vừa không lôgic, vừa không rõ ràng, vì không biết được quy hoạch được phê duyệt nó sẽ như thế nào.
Đại biểu Nguyễn Phương Tuấn phân tích: trong quy định của luật cũ và Nghị quyết số 13 đều yêu cầu đường sắt quốc gia phải được phát triển hiện đại, nhưng ở Khoản 1, Điều 5 luật mới lại không thể hiện được yêu cầu này, như vậy vừa không có tính kế thừa của luật năm 2005 vừa không thể hiện được yêu cầu của Nghị quyết số 13, trong khi đây là một nội dung rất quan trọng của chính sách làm cơ sở pháp lý để giao thông đường sắt có thể phát triển và trở lại đúng vai trò trong hệ thống giao thông vận tải như trong báo cáo giải trình tiếp thu đã nêu.
Do đó, đại biểu đề nghị chỉnh sửa lại Khoản 1, Điều 5 theo hướng: Ưu tiên nguồn lực cho cải tạo nâng cấp bảo trì bảo vệ hạ tầng một số tuyến đường thuộc về hệ thống đường sắt quốc gia hiện có để nâng cao tốc độ chạy tàu, năng lực vận tải và đảm bảo an toàn trong giao thông vận tải đường sắt.
Phát triển đường sắt đô thị hiện đại tại các thành phố lớn để giải quyết sự quá tải giao thông đô thị và bảo vệ môi trường, nhà nước đóng vai trò chủ đạo, xây dựng tuyến đường sắt quốc gia Bắc - Nam hiện đại, vận chuyển tốc độ cao phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ phát triển của đất nước để kết nối các đô thị, trung tâm kinh tế lớn.
Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Phương Tuấn một lần nữa khẳng định: Tại kỳ họp trước, đại biểu đã nêu ý kiến và phân tích về sự không cần thiết trong luật phải kết cấu một chương riêng về đường sắt tốc độ cao, vì các yêu cầu cơ bản của đường sắt tốc độ cao, giống như đường sắt truyền thống và hoàn toàn không có một đặc thù riêng như đường sắt đô thị.
Trong báo cáo giải trình, tiếp thu cũng đã đề cập tới ý kiến này nhưng giải trình về sự cần thiết phải có một chương riêng về đường sắt tốc độ cao là chưa thuyết phục. Vì vậy, đại biểu cho rằng, việc có một chương riêng về đường sắt tốc độ cao trong dự thảo, vô hình chung làm chúng ta ngộ nhận rằng, đây là một loại hình đường sắt mới, tức là đường sắt riêng như đường sắt đô thị hay là đường sắt chuyên dụng.
"Theo tinh thần Nghị quyết 13, đường sắt tốc độ cao mới chỉ ở giai đoạn ưu tiên nghiên cứu, nếu khả thi thì chúng ta mới lập dự án và phê duyệt. Như vậy, việc xây dựng một chương riêng về đường sắt tốc độ cao trong luật này để điều chỉnh một nội dung chưa có, và chưa biết là có hay không trong tương lai liệu có cần thiết hay không và có sát với thực tế ở thời điểm này hay không?" - đại biểu Nguyễn Phương Tuấn nêu vấn đề.
Buổi chiều, các đại biểu họp phiên thảo luận ở tổ. Đoàn ĐBQH tỉnh tham gia thảo luận cùng với Đoàn ĐBQH các tỉnh: Cần Thơ, Phú Thọ và Bình Thuận. Trong phiên họp tổ, các đại biểu dành nhiều thời gian thảo luận về Dự án Luật Quản lý nợ công (sửa đổi) và Dự án Luật Tố cáo (sửa đổi).
Thảo luận về Dự án Luật Tố cáo (sửa đổi), đại biểu Mai Khanh đồng tình với quan điểm về hình thức tố cáo, ngoài quy định việc tố cáo được thực hiện bằng đơn hoặc tố cáo trực tiếp nên có thêm hình thức gửi qua thư điện tử.
Đại biểu dẫn chứng, bản chất của việc tố cáo nhằm khắc phục những vi phạm pháp luật nói chung, trong đó có bộ phận công chức nhà nước. Không nên thiên về việc xử lý hành vi tố cáo không đúng. Trong thực tế, rất khó có thể ngay lập tức xác định được nhân thân của người tố cáo.
Trong bối cảnh hiện nay, hầu hết từ cơ quan công quyền cho đến Bộ luật dân sự đều thừa nhận giao dịch điện tử, ngay cả cơ quan Nhà nước cũng sử dụng hình thức tiếp nhận thông tin qua điện tử. Vì thế, không có lý gì không tiếp nhận hình thức gửi đơn tố cáo qua thư điện tử nếu người gửi đơn sẵn sàng đứng tên chính danh.
Điều quan trọng là cần quy định chặt chẽ để đảm bảo người gửi đơn tố cáo đứng chính danh. Không nên quy định một cách cứng nhắc hình thức tố cáo bằng gửi đơn hoặc tố cáo trực tiếp, điều này sẽ không phù hợp với xu hướng hiện nay.
Bên cạnh đó, đại biểu cũng cho rằng, việc khiếu nại tố cáo nặc danh nhưng trường hợp có bằng chứng, chứng cứ rõ ràng và cơ quan nhà nước có thể dễ xác minh, làm rõ thì cần phải đưa vào trong dự luật để tăng trách nhiệm của các cơ quan hữu quan.
Đại biểu Mai Khanh cũng cho rằng, hiện nay một số quy định tại điều 8 mâu thuẫn với điều 61; hay việc quy định Áp dụng các biện pháp bảo vệ người tố cáo như trong dự thảo luật là rất khó thực thi.
Thảo luận tổ, đại biểu Bùi Văn Phương (Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh) cũng phát biểu ý kiến về quy định các hình thức tố cáo trong dự thảo Luật Tố cáo (sửa đổi), đại biểu đề nghị cần quy định rõ để chứng minh nhân thân người tố cáo, giảm thời gian xác minh của cơ quan khi xem xét giải quyết.
Tham gia thảo luận ở tổ về Dự án Luật Quản lý nợ công (sửa đổi), đại biểu Đinh Tiến Dũng, UVTƯ Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính (Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình) đã trao đổi làm rõ hơn về những quy định trong dự thảo luật; khẳng định việc sửa đổi Luật nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật hiện hành, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, đáp ứng yêu cầu quản lý nợ công trong tình hình mới.
Mai Lan