Qua đó giúp Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh có những định hướng đúng đắn, sát với thực tiễn trong xây dựng các mục tiêu phát triển KT- XH năm 2012 và những năm tiếp theo.
Năm 2011 là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, trong điều kiện có nhiều khó khăn, thách thức lớn nhưng kinh tế tỉnh ta tiếp tục tăng trưởng khá, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện, cơ sở vật chất hạ tầng kỹ thuật được tăng cường, bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc, 12/15 chỉ tiêu đạt và vượt. Đây là những nỗ lực, quyết tâm lớn của Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh trong việc thực hiện nhiệm vụ phát triển KT - XH năm 2011. Nhiều đại biểu đánh giá cao về kết quả sản xuất công nghiệp - xây dựng, sản xuất nông nghiệp, du lịch, thu ngân sách..., tạo nên bức tranh kinh tế tươi sáng của tỉnh.
Đại biểu Đinh Quốc Trị, khẳng định: Trong bối cảnh lạm phát và suy giảm kinh tế nhưng chỉ tiêu về huy động vốn đầu tư toàn xã hội vẫn tăng cao. Mục tiêu đề ra năm 2011 là 17.000 tỷ đồng nhưng ước thực hiện đạt 21.410 tỷ đồng, nhất là vốn đầu tư trong dân cư và các doanh nghiệp tăng. Do đó, hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh không bị đình trệ, góp phần tăng thu ngân sách Nhà nước và giải quyết việc làm cho nhiều lao động. Bên cạnh đó, chỉ tiêu về thu ngân sách đạt 3.070 tỷ đồng, vượt 104% kế hoạch. Đáng chú ý là thu từ thuế, phí, lệ phí và thu khác ngân sách đạt 1.633 tỷ đồng. Giá trị từ sản xuất nông nghiệp tăng đã góp phần đưa thu nhập bình quân đầu người đạt 25 triệu đồng/năm.
Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế năm 2012, các đại biểu đề nghị cần tăng chỉ tiêu phấn đấu doanh thu du lịch lên 20%, tập trung đầu tư một số dự án phát triển du lịch, dịch vụ còn dở dang; chính quyền các cấp cần chủ động cùng với doanh nghiệp xúc tiến quảng bá thương mại, mở rộng thị trường.
Vấn đề phát triển kinh tế biển cũng là một trong những vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm. Ông Đoàn Văn Hữu (đại biểu cử tri huyện Kim Sơn) nêu rõ: Trong những năm qua, huyện Kim Sơn và đặc biệt là các xã bãi ngang đã được sự quan tâm của tỉnh cùng với sự chủ động đầu tư, nuôi trồng, đánh bắt thủy, hải sản đã đem lại lợi ích kinh tế khá cao. Tuy nhiên, việc phát triển chưa được ổn định và vững chắc. Đại biểu đề nghị HĐND, UBND tỉnh sớm triển khai quy hoạch vùng bãi bồi ven biển để nhân dân yên tâm đầu tư, ổn định sản xuất. Mặt khác, để lập lại trật tự, kỷ cương vùng bãi bồi, phải có biện pháp quản lý để nhân dân được hưởng lợi trong vùng khai thác, nuôi trồng có nghĩa vụ bảo vệ quy hoạch, nghĩa vụ tài chính với Nhà nước, tăng nguồn thu cho Ngân sách Nhà nước.
Nhiều đại biểu quan tâm đến vấn đề xây dựng nông thôn mới, đề nghị tỉnh tiếp tục hỗ trợ kinh phí cho các địa phương xây dựng hệ thống kênh mương, thủy lợi nội đồng kiên cố, hỗ trợ giống lúa chất lượng cao, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, đẩy mạnh việc dồn điền, đổi thửa để áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, nhân rộng mô hình gieo vãi, thực hiện đầu tư có trọng tâm, trọng điểm; tập trung quy hoạch phát triển chăn nuôi xa khu dân cư để giảm thiểu ô nhiễm môi trường...
Đại biểu Trần Văn Bách nhấn mạnh: Chương trình xây dựng nông thôn mới có nội dung toàn diện, tổng hợp của các chương trình mục tiêu liên quan trực tiếp đến các vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng. Trong xây dựng nông thôn mới, bên cạnh việc quan tâm xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, cần thay đổi tư duy và nhận thức của mỗi người dân.
Các đại biểu cũng tập trung thảo luận về vấn đề đầu tư xây dựng cơ bản, đề nghị đánh giá rõ hơn thực trạng nợ đọng xây dựng cơ bản toàn tỉnh, nhất là cấp xã và có giải pháp khắc phục. Đa số đại biểu đều nhất trí với chủ trương đấu giá một số khu đất có giá trị cao để thanh toán nợ xây dựng cơ bản, đề nghị UBND tỉnh căn cứ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, lập phương án cụ thể trình HĐND tỉnh trước khi thực hiện. Hầu hết đại biểu nhất trí về chủ trương triển khai các dự án trọng điểm có mức đầu tư lớn, thời gian thi công kéo dài đến năm 2013-2015, đồng thời đề nghị UBND tỉnh xác định rõ tổng mức đầu tư của các dự án trước khi đưa ra thực hiện để đảm bảo cân đối và quản lý tốt chất lượng, hiệu quả đầu tư.
Trên lĩnh vực văn hóa - xã hội, nhiều đại biểu có ý kiến từ khi chuyển đổi các trường mầm non bán công sang công lập, cơ sở vật chất được đầu tư, nâng cấp và có nhiều chính sách hỗ trợ cho các trường vùng đặc biệt khó khăn nên số trẻ đến trường tăng lên, dẫn đến thiếu giáo viên mầm non ở nhiều trường. Theo lãnh đạo Sở Giáo dục - Đào tạo: Trong thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục chỉ đạo bậc học mầm non tập trung công tác xây dựng trường mầm non đạt chuẩn Quốc gia, xóa các nhóm lớp lẻ, tập trung về các điểm trường lớn, đảm bảo nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ; sắp xếp lại hệ thống các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo đảm bảo đúng định mức cháu trên nhóm, lớp theo quy định thuận tiện cho việc sắp xếp, bố trí đội ngũ. Đồng thời, phối hợp với Sở Nội vụ chỉ đạo việc rà soát, đánh giá thực trạng thừa, thiếu giáo viên, nhân viên các trường mầm non tại các huyện, thành phố, thị xã và từ đó sẽ tham mưu với HĐND, UBND tỉnh có kế hoạch bổ sung chỉ tiêu giáo viên mầm non ngoài biên chế cho các đơn vị còn thiếu giáo viên.
Đại biểu và cử tri nêu ý kiến: Hiện nay công tác dạy nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, nhất là người dân nơi có thu hồi đất để xây dựng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp hiệu quả chưa cao; mặc dù nhu cầu học nghề rất lớn nhưng việc khảo sát để mở lớp chưa sát với nhu cầu và điều kiện thực tế của các xã.
Về vấn đề này, lãnh đạo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội khẳng định: Trong năm 2011, Sở đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn về dạy nghề và tạo việc làm, phối hợp với các hội, đoàn thể trong công tác tư vấn, lựa chọn học nghề; hướng dẫn các địa phương, các cơ sở dạy nghề tiến hành khảo sát nhu cầu học nghề của người lao động, lựa chọn nghề phù hợp để đưa vào dạy nghề, tạo việc làm cho người lao động, xây dựng kế hoạch đào tạo và đăng ký dạy nghề, tổ chức đi khảo sát năng lực dạy nghề của các cơ sở dạy nghề, làm cơ sở phân bổ kinh phí dạy nghề, tạo việc làm cho lao động nông thôn. Sở cũng hướng dẫn các địa phương và cơ sở dạy nghề được UBND tỉnh phân bổ kinh phí dạy nghề, tập trung kinh phí dạy nghề tạo việc làm cho các xã nghèo, các địa phương bị thu hồi đất nông nghiệp, các xã thí điểm xây dựng nông thôn mới để tổ chức dạy nghề và tạo việc làm cho lao động nông thôn. Năm 2011 đã tổ chức dạy nghề, tạo việc làm cho hơn 6.000 lao động.
Các đại biểu cũng đề nghị HĐND tỉnh tiếp tục xem xét các địa phương còn khó khăn về cơ sở vật chất, nhất là cơ sở vật chất cho giáo dục và y tế ở các xã vùng sâu, vùng xa; tiếp tục có chính sách hỗ trợ giống, cây trồng con nuôi đối với các hộ nghèo thuộc các xã khó khăn; chế độ chính sách đối với các tổ chức xã hội nghề nghiệp; tăng phụ cấp cho cán bộ bán chuyên trách ở xã...
Ngọc Minh - Quỳnh Thu