Góp ý cụ thể về một số quy định của Dự thảo Bộ luật tố tụng dân sự (sửa đổi), đại biểu Bùi Văn Phương (Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình) cho rằng, quyền đảm bảo tranh tụng là vấn đề cần thiết (được quy định tại điều 25 Dự thảo luật) nhưng cần quy định rõ trong mỗi giai đoạn xét xử. Đại biểu cũng đề nghị Dự thảo cần xem xét, sửa đổi một số nội dung tại điều 22 để phù hợp với Hiến pháp và Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân. Ngoài ra, đại biểu cũng đồng ý với những quan điểm về thẩm quyền hoạt động xét xử giám đốc thẩm (quy định tại Điều 340 đến Điều 344)…
Phát biểu thảo luận tại tổ về Dự án Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, đại biểu Lưu Thị Huyền (Ninh Bình) cho rằng: Tại khoản 1, điều 66, điều 68 vẫn quy định chức danh Thường trực HĐND nhưng trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương lại không có chức danh này. Vì vậy, đại biểu đề nghị Dự thảo luật cần xem xét để có sự thống nhất với Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Ngoài ra, đại biểu cũng phát biểu để làm rõ hơn một số quy định tại khoản 2, điều 21; khoản 1 và 5, điều 63 của Dự thảo luật.
Cũng trong hai ngày, các đại biểu Quốc hội đã có các phiên làm việc tại hội trường nghe các báo cáo, tờ trình: Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kế toán; Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kế toán; Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; tờ trình dự án Luật Tạm giữ, tạm giam; Báo cáo thẩm tra dự án Luật Tạm giữ, tạm giam. Tại các phiên làm việc ở hội trường, các đại biểu cũng đã tập trung thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Thú y.
Phát biểu thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự thảo Luật Thú y, đại biểu Lưu Thị Huyền (Ninh Bình) cho rằng, Dự thảo đã có những quy định chung về nguyên tắc trong hoạt động thú y cũng như các chính sách hỗ trợ của nhà nước trong hoạt động phòng, chống dịch bệnh. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị Dự thảo cần có thêm chính sách về tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật cho các cơ quan chuyên ngành về thú y, để chủ động và đáp ứng yêu cầu công tác này một cách kịp thời. Đồng ý với những quy định tại khoản 2, điều 6 về "nhân viên thú y cấp xã", đại biểu cho rằng thực tế nhiều địa phương có mạng lưới thú y cấp xã, thậm chí một số nơi còn xây dựng mạng lưới thú y tới tận thôn bản. Muốn hoạt động thú y có hiệu quả hơn thì cần xây dựng hệ thống nhân viên thú y nhằm tăng nguồn lực và trách nhiệm ngay từ cơ sở. Đại biểu dẫn chứng: Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2012 cả nước có trên 11,1 triệu cơ sở chăn nuôi nhưng số trang trại chỉ là 8.133, như vậy phát triển chăn nuôi chủ yếu ở nước ta hiện vẫn còn nhỏ lẻ nên khi có dịch bệnh xảy ra sẽ rất khó khống chế, gây thiệt hại lớn cho người dân và xã hội. Do đó, đại biểu đề nghị cần bố trí cán bộ có chuyên môn làm công tác thú y ở cấp xã, đồng thời đề nghị bổ sung quy định về chế độ, chính sách đãi ngộ để lực lượng này yên tâm công tác. Ngoài ra, đại biểu cũng cho rằng cần thiết phải có những quy định về thẩm quyền công bố dịch bệnh động vật trên cạn như khoản 4, điều 26 Dự thảo Luật Thú y.
Mai Lan