Thảo luận về Dự án, đa số đại biểu nhất trí cao với việc cần thiết sửa đổi Bộ luật tố tụng dân sự. Tuy nhiên, các đại biểu cũng lưu ý chỉ sửa đổi, bổ sung các vấn đề thật sự cần thiết. Việc sửa đổi phải đảm bảo khắc phục những bất cập, tồn tại, hạn chế của các quy định hiện hành, đồng thời đáp ứng yêu cầu thực tiễn xét xử các loại án dân sự hiện nay ở nước ta.
Đồng tình với quy định Tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật áp dụng, một số ý kiến cho rằng, quy định như vậy là cần thiết và bảo đảm thể chế hóa quy định của Hiến pháp về Tòa án thực hiện quyền Tư pháp. Khi chưa có điều luật cụ thể để áp dụng thì đối với những vụ việc đơn giản Tòa án có thể áp dụng tinh thần của Hiến pháp, áp dụng nguyên tắc chung, nguyên tắc tương tự của luật và lẽ công bằng để giải quyết vụ án. Đối với những vụ việc phức tạp mà Tòa án không thể giải quyết ngay được thì có thể kiến nghị với Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét. Đại biểu cho rằng đề ra nguyên tắc này chính là Quốc hội đã giao cho thẩm phán nhiệm vụ rất khó khăn, đòi hỏi cao về năng lực và bản lĩnh của thẩm phán. Song đó là đòi hỏi từ thực tiễn của cuộc sống, là nguyện vọng hợp lý, chính đáng của người dân. Đây cũng là một quy định nhằm khắc phục bất cập lớn trong thực tiễn xét xử các vụ án dân sự hiện nay. Quy định như trên thể hiện rõ quan điểm đổi mới và tinh thần cải cách tư pháp triệt để, thể hiện trách nhiệm của nhà nước trước công dân trong việc giải quyết các vấn đề cuộc sống đặt ra. Với tinh thần trên sẽ không cho phép chúng ta thấy khó mà không làm.
Một trong những vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm thảo luận tại hội trường, đó là bảo đảm nguyên tắc tranh tụng trong tố tụng dân sự, nhiều ý kiến cho rằng: việc phán quyết của Tòa án phải căn cứ chủ yếu vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện chứng cứ, do vậy, Bộ luật tố tụng dân sự (sửa đổi) cần thiết phải quy định, cụ thể hóa nguyên tắc tranh tụng trong xét xử. Tuy nhiên, cần làm rõ tranh tụng trong xét xử hay tranh tụng tại phiên tòa, hình thức tranh tụng, làm rõ vị trí của những người tranh tụng trong quá trình giải quyết vụ án. Đồng thời, quy định cụ thể, rõ ràng tranh tụng trong tất cả các giai đoạn để bảo đảm việc giải quyết vụ việc khách quan; Đổi mới trình tự, thủ tục tại phiên tòa và quy định chặt chẽ các vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ của đương sự, thủ tục cung cấp chứng cứ, chứng minh, thời hạn giao nộp, việc giao nộp chứng cứ.
Thảo luận về sự tham gia của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tại phiên tòa, phiên họp giải quyết vụ việc dân sự, các đại biểu tán thành với quan điểm Viện kiểm sát là Cơ quan tiến hành tố tụng trong tố tụng dân sự. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng trong tố tụng dân sự Viện Kiểm sát nhân dân không phải là cơ quan công tố (đây là điểm khác biệt cơ bản với tố tụng hình sự) mà chỉ thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn kiểm sát hoạt động tư pháp.
Tán thành với việc Viện kiểm sát nhân dân tham gia phiên tòa, nhiều ý kiến cho rằng: trong những trường hợp chỉ có 1 bên đương sự hoặc những đương sự là người chưa thành niên, người có nhược điểm về thể chất tâm thần, các tranh chấp đất đai cần có sự tham gia của Viện Kiểm sát nhân dân, từ đó kịp thời phát hiện vi phạm, thực hiện các quyền kiến nghị và kháng nghị…
Mai Lan