Thảo luận về Dự thảo Luật Kiểm toán nhà nước (sửa đổi), đa số ý kiến đánh giá so với Dự án Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8, Dự thảo Luật trình Quốc hội lần này đã hoàn thiện hơn một bước đáng kể. Tuy nhiên các ý kiến cũng tập trung đề nghị cần quy định rõ hơn về trách nhiệm của kiểm toán nhằm nâng cao tính trung thực, minh bạch, giá trị pháp lý của kiểm toán.
Có đại biểu cho rằng: Dự thảo quy định nặng về xác định quyền của kiểm toán nhà nước: "Thể hiện quy định trách nhiệm và nghĩa vụ của kiểm toán nhà nước mới quy định cho chức danh Tổng kiểm toán cùng các chức danh mang tính nội bộ, mà quy định chưa rõ ràng trách nhiệm về nghĩa vụ của kiểm toán nhà nước đối với toàn dân, Quốc hội và tổ chức được kiểm toán. Điều này cho thấy Luật Kiểm toán còn nặng về tổ chức kiểm toán nhà nước chứ chưa đại diện cho Quốc hội, toàn dân ban hành Luật chung có thể công bằng khách quan với mọi đối tượng khi tham gia các hành vi được Luật điều chỉnh".
Bên cạnh đó, có đại biểu cho rằng, Dự thảo Luật sửa đổi đã tăng thêm đáng kể nhiệm vụ, quyền hạn của kiểm toán, nhưng quy định về trách nhiệm của kiểm toán còn chưa tương xứng. Cần có quy định rõ ràng về việc chịu trách nhiệm trước pháp luật của kiểm toán. Đại biểu đề nghị quy định rõ trách nhiệm của kiểm toán và phải được quy định cụ thể theo hướng ràng buộc trách nhiệm của kiểm toán đối với kết luận kiểm toán, không phải chỉ có người sử dụng kiểm toán kiến nghị kiểm toán mới chịu trách nhiệm.
Một số đại biểu cho rằng cần bổ sung nguyên tắc "nhanh chóng, kịp thời" trong hoạt động kiểm toán nhằm đảm bảo hoạt động kiểm toán được khẩn trương, phát hiện, xử lý kịp thời những sai phạm trong việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công để yêu cầu đơn vị được kiểm toán khắc phục hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý. Qua đó khắc phục kịp thời hậu quả pháp lý, hạn chế thiệt hại nền tài chính quốc gia. Đồng thời cũng góp phần hạn chế những hành vi tham nhũng, tiêu cực trong quản lý sử dụng tài sản tài chính công.
Bên cạnh đó, các ý kiến nhất trí cao với việc quy định thời hạn kiểm toán là 60 ngày và thời hạn bổ sung khi có vấn đề là 30 ngày như Dự thảo luật. Về nhiệm kỳ Tổng kiểm toán còn nhiều ý kiến khác nhau, một số cho rằng nên để nhiệm kỳ Tổng kiểm toán là 7 năm, một số khác cho rằng nên để nhiệm kỳ 5 năm là phù hợp.
Chiều cùng ngày, các đại biểu thảo luận ở tổ về dự án Bộ luật hình sự (sửa đổi). Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình tham gia thảo luận tại tổ 8 cùng với Đoàn đại biểu các tỉnh: Kiên Giang, Long An và Đắc Nông.
Phát biểu thảo luận tại tổ, đồng chí Bùi Văn Phương, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình đồng tình với quan điểm bỏ bớt một số tội danh bị phạt án tử hình theo Dự thảo Luật, tuy nhiên đại biểu cho rằng cần cân nhắc, tính toán kỹ đối với một số tội danh không thể bỏ án tử hình như: Tội phá hủy công trình, phương tiện An ninh Quốc gia; tội phạm chiến tranh. Về việc không áp dụng, đại biểu đề nghị nên cân nhắc lại những quy định của điều 39 Dự thảo (Không áp dụng hình phạt tử hình đối với người chưa thành niên khi phạm tội, đối với phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi hoặc người từ 70 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử), đại biểu cho rằng nếu áp dụng điều luật này sẽ giảm sức răn đe của pháp luật. Ngoài ra, đại biểu cũng đồng tình với những quy định của điều 63 Dự thảo luật.
Mai Lan