Tham gia thảo luận tại hội trường, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh) đánh giá cao Ban soạn thảo đã tiến hành lấy ý kiến Nhân dân được tiếp thu, tổng hợp nghiêm túc; đồng thời tập trung góp ý về các quy định có liên quan đến thị trường bất động sản; vấn đề thu hồi đất vùng phụ cận; về cơ chế tự thỏa thuận giữa người dân và doanh nghiệp trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện các dự án đô thị, nhà ở thương mại.
Theo đó, góp ý về việc hoàn thiện các quy định pháp luật có liên quan đến thị trường bất động sản, trong đó có thị trường việc sử dụng đất, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh cho rằng, Nghị quyết số 18 của Trung ương Đảng khóa XIII có nêu: "Đẩy mạnh thương mại hóa quyền sử dụng đất. Xây dựng hệ thống thông tin thị trường bất động sản gắn với thông tin đất đai; có chính sách khuyến khích phát triển thị trường quyền sử dụng đất, nhất là thị trường cho thuê đất nông nghiệp. Hoàn thiện cơ sở pháp lý và tăng cường thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt trong giao dịch bất động sản. Có cơ chế bảo đảm thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, an toàn, bền vững, kiểm soát chặt chẽ, khắc phục tình trạng đầu cơ đất đai". Tuy nhiên trong dự thảo Luật chưa thể hiện rõ nội dung này, nhất là đối với thể chế hóa phát triển thị trường quyền sử dụng đất, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát, hoàn thiện và bổ sung để tạo cơ chế, chính sách cho phát triển quyền sử dụng đất lành mạnh, có tính cạnh tranh, là cơ sở để xác lập giá đất thị trường, làm căn cứ quy định bảng giá đất và các nội dung liên quan khác đến thị trường quyền sử dụng đất.
Về vấn đề thu hồi đất vùng phụ cận, theo đại biểu: Nghị quyết số 18 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) xác định: "Quy định cụ thể việc khai thác hiệu quả quỹ đất phụ cận các công trình kết cấu hạ tầng theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và chính sách ưu tiên cho người có đất bị thu hồi được giao đất hoặc mua nhà trên diện tích đất đã thu hồi mở rộng theo quy định của pháp luật". Thực tiễn, việc thực hiện thu hồi đất vùng phụ cận để đấu giá quyền sử dụng đất thời gian qua đã đem lại những lợi ích thiết thực: giúp tăng nguồn thu cho ngân sách, bảo đảm công bằng giữa những người bị thu hồi đất, bảo đảm mỹ quan đô thị. Tuy nhiên việc thực hiện thu hồi đất vùng phụ cận cũng còn hạn chế do cơ chế pháp lý hiện nay quy định chưa rõ ràng. Trong dự thảo luật sửa đổi nội dung này cũng chưa được quy định rõ ràng, cụ thể, chặt chẽ.
Để đảm bảo thể chế hóa đầy đủ tinh thần của Nghị quyết 18 về khai thác hiệu quả quỹ đất phụ cận, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát nghiên cứu, bổ sung quy định một điều riêng về thu hồi đất vùng phụ cận. Trong đó, xác định rõ nguyên tắc, quy trình, cơ chế tài chính và các cơ quan phối hợp trong quá trình tạo quỹ đất sạch. Xây dựng tiêu chí cụ thể xác định phạm vi, ranh giới vùng phụ cận phải thu hồi, quy định rõ các nguồn vốn để thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trong thu hồi đất vùng phụ cận để đấu giá quyền sử dụng đất thực hiện dự án.
Bên cạnh đó, đại biểu cũng góp ý cụ thể về Điều 127: các trường hợp sử dụng đất thực hiện dự án phát triển kinh tế - xã hội thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất. Theo đó, đại biểu đề nghị cần nghiên cứu bổ sung quy định để có cơ chế điều chỉnh chặt chẽ, phù hợp, khả thi đối với những dự án doanh nghiệp không thể thỏa thuận được vì trong vùng dự án có một số người sử dụng đất cố tình không hợp tác, ngăn cản việc thực hiện dự án dẫn đến tình trạng dự án không triển khai được, chậm tiến độ, gây lãng phí nguồn lực đất đai và quyền lợi số đông người dân đã đồng thuận với mục tiêu của dự án.
Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát nghiên cứu quy định vấn đề này theo hướng: Các dự án nhà ở thương mại, dự án đô thị, doanh nghiệp tự thỏa thuận với người có đất bị thu hồi nhằm đảm bảo quyền lợi của người dân, Nhà nước và doanh nghiệp. Trường hợp khi doanh nghiệp đã thực hiện tự thỏa thuận với người dân nhưng vẫn còn một phần hộ dân không đồng tình thì khi đó Nhà nước sẽ thực hiện thu hồi đất, đối với phần diện tích đất chủ đầu tư và người sử dụng đất không thỏa thuận được. Và để quy định này đảm bảo tính chặt chẽ, công khai, minh bạch, hài hòa lợi ích giữa các bên thì cần quy định trong dự thảo luật một số điều kiện khi Nhà nước thực hiện thu hồi phần diện tích đất còn lại của dự án, công trình không thỏa thuận được đó là: Chỉ thực hiện đối với các dự án đủ các điều kiện như: Không điều chỉnh được quy mô sử dụng đất để thực hiện dự án (nếu bỏ lại phần diện tích không thỏa thuận được); tỷ lệ diện tích đất trong dự án mà chủ đầu tư và người sử dụng đất không thỏa thuận được chỉ chiếm tỷ lệ từ 10 - 15% diện tích đất thực hiện dự án.
Cùng với đó để đảm bảo chặt chẽ dự thảo luật cần quy định về trình tự, thủ tục thu hồi phần diện tích đất còn lại của dự án không thỏa thuận được như: Nhà nước cùng với chủ đầu tư thực hiện đối thoại với người sử dụng đất trong khu vực đất không thỏa thuận được; trường hợp đối thoại không đạt kết quả thì Nhà nước thực hiện thu hồi đất để giao, cho thuê cho chủ đầu tư thực hiện dự án không phải thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất, không phải đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án.
Đồng thời dự thảo luật cũng phải quy định về xác định giá đất cụ thể đối với phần diện tích đất còn lại của dự án không thỏa thuận được và phương án hỗ trợ tái định cư cho người có đất bị thu hồi.
Theo đó, giá đất cụ thể đối với phần diện tích đất còn lại của dự án không thỏa thuận được xác định theo nguyên tắc không vượt quá giá đất cao nhất đã thỏa thuận được; phương án hỗ trợ, tái định cư cho người có đất bị thu hồi cần được xây dựng theo nguyên tắc phù hợp với phong tục, tập quán điều kiện thực tế của địa phương.
Cùng với đại biểu Trần Thị Hồng Thanh, trong phiên thảo luận, nhiều đại biểu Quốc hội đã đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm nhằm hoàn thiện Dự án Luật Đất đai (sửa đổi)- một dự án luật được xem là có phạm vi điều chỉnh rộng, nội dung khó, tác động đến đời sống Nhân dân.
Minh Ngọc - CTV