Thảo luận về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật liên quan đến Luật Quy hoạch đã có 20 đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến và 2 đại biểu tranh luận. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư thay mặt cho Chính phủ, cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra báo cáo giải trình thêm một số nội dung mà các vị đại biểu Quốc hội quan tâm.
Theo đó, đa số các vị đại biểu Quốc hội đánh giá cao việc Chính phủ chuẩn bị dự án luật này và cũng tán thành với tờ trình dự thảo luật và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. Các vị đại biểu Quốc hội cho rằng cần thiết phải ban hành luật này và cũng đồng ý với đề nghị thông qua theo quy trình tại một kỳ họp để bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ với Luật Quy hoạch, tránh sự chồng chéo, mâu thuẫn hoặc tạo ra khoảng trống pháp lý khi triển khai thi hành Luật Quy hoạch có hiệu lực từ 1/1/2019.
Về tên gọi và phạm vi điều chỉnh, nhiều ý kiến tán thành với tên gọi như Tờ trình của Chính phủ và dự thảo luật, nhưng có ý kiến cho rằng tên gọi của dự án luật này còn quá dài, nhiều từ, đề nghị cân nhắc xem có cách nào gọn hơn cho dễ nhớ, đơn giản như thông lệ quốc tế.
Về phạm vi điều chỉnh của luật, các đại biểu Quốc hội thống nhất tại kỳ họp này chỉ sửa đổi, bổ sung các nội dung liên quan đến Luật Quy hoạch, còn những vấn đề về cơ chế, chính sách quy định tại các luật này sẽ được nghiên cứu khi tổng kết thực tiễn, đánh giá chính sách và sửa đổi các luật này, còn không đưa các nội dung chính sách vào trong luật sửa đổi lần này. Chính phủ tiếp tục rà soát trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 6.
Các đại biểu kiến đề nghị làm rõ nội hàm của quy hoạch xây dựng tỉnh, quy hoạch xây dựng vùng liên huyện, vùng huyện để không trùng lặp với quy hoạch tỉnh, quy hoạch vùng được quy định trong Luật Quy hoạch. Nhiều ý kiến đề nghị đối với dự án Luật Xây dựng và Luật Quy hoạch đô thị cần có thêm thời gian để rà soát, đánh giá, nghiên cứu và có thể đưa vào khi Quốc hội xem xét thông qua các luật còn lại liên quan đến Luật Quy hoạch tại kỳ họp thứ 6 này. Ngoài ra, các vị đại biểu Quốc hội cũng góp ý vào những vấn đề khác, về từ ngữ, kỹ thuật trong dự thảo.
Thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đo đạc và bản đồ, đã có 13 đại biểu phát biểu. Quả thảo luận, các đại biểu Quốc hội cơ bản tán thành với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Các đại biểu cho rằng hoạt động đo đạc và bản đồ có tính chất kỹ thuật cao nhưng có vai trò rất quan trọng đối với kinh tế xã hội, quốc phòng và an ninh.
Đồng thời đề nghị nguyên tắc hoạt động đo đạc và bản đồ phải đảm bảo chủ quyền quốc gia, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ, đảm bảo quốc phòng và an ninh. Thông tin, dữ liệu sản phẩm đo đạc và bản đồ phải được cập nhật, cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng và an ninh. Quản lý tài nguyên và môi trường, phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn.
Đề nghị tiếp tục làm rõ thêm một số quy định trong hoạt động đo đạc và bản đồ cơ bản và hoạt động đo đạc bản đồ chuyên ngành. Trong đó có nội dung về đo đạc thành lập hải đồ, bản đồ công trình ngầm. Đề nghị bổ sung bản đồ địa giới hành chính.
Về xây dựng hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia, các đại biểu đề nghị làm rõ thêm một số nội dung về điều kiện kinh doanh dịch vụ đo đạc và bản đồ; việc cấp chứng chỉ hành nghề, giấy phép đo đạc và bản đồ; việc khai thác và sử dụng thông tin dữ liệu đo đạc và bản đồ, trách nhiệm của các bộ, ngành và địa phương đối với hoạt động đo đạc và bản đồ.
Cùng với các vấn đề trên, nhiều ý kiến đại biểu đã góp ý cụ thể vào bố cục, kỹ thuật từ ngữ và làm rõ thêm các khái niệm ở các chương, điều của dự thảo luật. Đồng thời đề nghị cần phải tiếp tục được rà soát để đảm bảo tính chặt chẽ, đầy đủ và khả thi.
Trong ngày, Quốc hội đã nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Chăn nuôi.
Mai Lan