Trong phiên thảo luận về Luật Tố cáo (sửa đổi) đã có 24 vị đại biểu phát biểu ý kiến tại hội trường, có 6 đại biểu tranh luận về các vấn đề mà các vị đại biểu Quốc hội quan tâm. Qua ý kiến thảo luận, các vị đại biểu Quốc hội đều đánh giá cao việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan thẩm tra, cơ quan soạn thảo, các cơ quan, tổ chức hữu quan nghiên cứu tiếp thu, hoàn thiện dự thảo luật từ sau kỳ họp thứ 4 đến nay và cho rằng công tác hoàn thiện dự thảo luật đã được các cơ quan tiến hành tích cực, khẩn trương, nghiêm túc và trách nhiệm.
Các vị đại biểu Quốc hội đồng tình với nhiều nội dung của dự thảo luật đã được chỉnh lý đồng thời tập trung phát biểu vào những vấn đề cơ bản còn nhiều ý kiến khác nhau, trong đó đa số ý kiến đề nghị giữ nguyên hình thức tố cáo như luật hiện hành, tập trung giải quyết tốt việc tố cáo bằng đơn và tố cáo trực tiếp. Các đại biểu đề nghị cần quy định cơ chế để tiếp nhận, xử lý đối với những hành vi vi phạm pháp luật được phản ánh qua thư điện tử, fax, điện thoại để phục vụ yêu cầu công tác quản lý, công tác thanh tra, kiểm tra.
Đại biểu Bùi Văn Phương (Phó Đoàn ĐBQH tỉnh) đã tranh luận với một số đại biểu khi cho rằng luật chưa thật sự tạo điều kiện để người dân thực hiện quyền tố cáo của mình. Đại biểu Bùi Văn Phương nêu ý kiến: Dự thảo luật lần này đã rất tạo điều kiện cho người dân thực hiện quyền tố cáo theo hiến định. Vấn đề đặc biệt nhất trong thực tế là chúng ta chưa thể có cơ chế bảo vệ được người tố cáo, nên người dân không dám đứng tên tố cáo.
Điểm mới của luật là chúng ta chấp nhận tố cáo không rõ tên, địa chỉ hoặc mạo danh nhưng nội dung tố cáo là có, có bằng chứng, cơ sở để chúng ta xác minh thì vẫn được xem xét. "Minh chứng cho vấn đề này, lâu nay có một số vụ việc tự nhiên đưa lên mạng, mặc dù không biết ai là người đưa lên nhưng sự việc là có thật, có địa chỉ và hình ảnh chứng minh đàng hoàng, sau đó các cơ quan vào giải quyết. Qua đó, chúng ta đã xử lý rất nhiều vụ việc vi phạm pháp luật.
Điều này cũng chứng tỏ chúng ta đã thừa nhận, mặc dù không có tên nhưng có nội dung, cơ sở để xem xét, tôi cho đây là bước tiến để giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra"- đại biểu Bùi Văn Phương dẫn chứng.
Buổi chiều, thảo luận ở hội trường về dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thành Công (Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình) đã nêu ý kiến về quy định địa vị pháp lý của Ủy ban cạnh tranh quốc gia (Điều 48). Theo đại biểu, cách xác định địa vị pháp lý của Ủy ban như dự thảo luật vẫn không phù hợp với tính chất "quốc gia" như tên gọi của Ủy ban đã ngụ ý. Bởi đây là cơ quan có trách nhiệm trực tiếp xử lý, quyết định các vụ việc cạnh tranh, kiểm soát tập trung kinh tế một cách khách quan, công bằng và chỉ tuân theo luật trong quá trình hoạt động.
Kinh nghiệm của các quốc gia có hiệu lực cao trong thực thi Luật Cạnh tranh đều cho thấy, bảo đảm tính độc lập của cơ quan xử lý các vụ việc cạnh tranh, kiểm soát tập trung kinh tế là yêu cầu có tính tiên quyết. Cơ quan này phải bảo đảm được tính độc lập cần thiết để việc xem xét, giải quyết, ra quyết định về việc xác định hành vi của doanh nghiệp là vi phạm luật cạnh tranh hay không, đi kèm với việc áp dụng biện pháp chế tài mà không chịu áp lực của bất cứ doanh nghiệp nào có liên quan, hoặc áp lực từ các cơ quan bên ngoài Ủy ban cạnh tranh Quốc gia.
"Chính vì vậy, để bảo đảm tính độc lập của Ủy ban, bảo đảm cho các quyết định của Ủy ban khi xử lý các vụ việc về cạnh tranh được khách quan, công bằng và tuân thủ pháp luật, không nên ghi Ủy ban này là cơ quan "thuộc" Bộ Công Thương mặc dù vẫn có thể giao cho Bộ công thương trách nhiệm "tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Công Thương thực hiện chức năng quản lý nhà nước về cạnh tranh" như quy định tại Khoản 2a Điều 48 của Dự thảo"- đại biểu Nguyễn Thành Công nói.
Nêu ý kiến về thẩm quyền bổ nhiệm thành viên Ủy ban cạnh tranh Quốc gia (Khoản 3, Điều 50), đại biểu đề nghị nên tính lại quy định thành viên Ủy ban cạnh tranh Quốc gia do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công Thương theo hướng Chủ tịch Ủy ban cạnh tranh Quốc gia do Chủ tịch nước bổ nhiệm theo đề nghị của Thủ tướng Chính phủ, các thành viên khác của Ủy ban cạnh tranh quốc gia do Thủ tướng bổ nhiệm theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công Thương.
Như vậy, sẽ tăng cường vị thế của Chủ tịch Ủy ban cạnh tranh Quốc gia, phù hợp hơn với thông lệ quốc tế, bảo đảm tốt hơn tính độc lập trong triển khai nhiệm vụ của Ủy ban cạnh tranh quốc gia. Ngoài ra, đại biểu cũng góp ý kiến về nhiệm kỳ của Ủy viên Ủy ban cạnh tranh quốc gia (Khoản 4, Điều 50), đại biểu cho rằng nên xem xét có thể kéo dài nhiệm kỳ bổ nhiệm của các chức danh này lên 7 năm là phù hợp.
Mai Lan