Là người "đăng đàn" đầu tiên tại phiên trả lời chất vấn, Giám đốc Sở Tài nguyên- Môi trường Tô Văn Động nhận được nhiều ý kiến chất vấn của cử tri, trong đó nổi bật là vấn đề một số doanh nghiệp xây dựng đã khai thác đất làm nguyên liệu tại đồi Kẽm Chè thuộc xã Gia Hòa, huyện Gia Viễn nhưng đến nay chưa hoàn trả lại mặt bằng sau khai thác, gây khó khăn cho việc đi lại, sản xuất, sinh hoạt của nhân dân. Theo đồng chí Giám đốc Sở Tài nguyên-Môi trường, thực tế tại khu vực đồi Kẽm Chè vẫn còn tồn tại tình trạng như ý kiến cử tri phản ánh trong thời gian qua.
Trong quá trình khai thác tại đồi Kẽm Chè, Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường và Doanh nghiệp xây dựng Xuân Thành chưa tuân thủ đúng quy trình, quy phạm kỹ thuật khai thác mỏ lộ thiên, có để lại hố sâu, tạo túi nước lớn vào mùa mưa và nhiều điểm sườn tầng khai thác dốc đứng, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn, gây bức xúc cho nhân dân. Đến nay, giấy phép khai thác của các doanh nghiệp đã hết hiệu lực, cả 2 đơn vị chưa lập dự án và ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường. Được UBND tỉnh giao toàn bộ mỏ đất, đá hỗn hợp đồi Kẽm Chè để khai thác tận thu nhưng Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường chưa tích cực triển khai các giải pháp cải tạo, phục hồi môi trường.
Lãnh đạo Sở Tài nguyên-Môi trường khẳng định: Tồn tại này có một phần trách nhiệm của Sở Tài nguyên-Môi trường trong việc kiểm tra, đôn đốc còn thiếu quyết liệt yêu cầu các doanh nghiệp phải thực hiện nghiêm túc việc cải tạo, phục hồi môi trường.
Để giải quyết dứt điểm vấn đề này, trong thời gian tới, Sở Tài nguyên- Môi trường đề nghị UBND tỉnh yêu cầu Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường có cam kết về tiến độ lập dự án cải tạo, phục hồi môi trường, lập hồ sơ xin cấp giấy phép thăm dò, khai thác đất tại đồi Kẽm Chè và tổ chức thực hiện việc cải tạo, phục hồi môi trường theo đúng quy định. Chậm nhất đến ngày 15-9-2012 phải xử lý xong.
Không thỏa mãn với giải trình của Giám đốc Sở Tài nguyên- Môi trường, đại biểu Nguyễn Thị Mai (tổ đại biểu HĐND tỉnh khu vực huyện Gia Viễn) nêu chất vấn: Vấn đề này đã được kiến nghị nhiều lần tại các kỳ họp HĐND tỉnh trước nhưng trả lời của cơ quan chức năng còn chung chung, không cụ thể, thời hạn yêu cầu doanh nghiệp xử lý không khả thi, gây bức xúc trong nhân dân. Vì vậy đại biểu đề nghị lãnh đạo Sở và các cơ quan chức năng cần có giải pháp cụ thể, quyết liệt giải quyết tình trạng đã nêu tại đồi Kẽm Chè. Trả lời ý kiến đại biểu Nguyễn Thị Mai, đồng chí Giám đốc Sở Tài nguyên- Môi trường nhấn mạnh: Sở sẽ nghiêm túc rút kinh nghiệm, làm việc với lãnh đạo doanh nghiệp, phối hợp với các cơ quan chức năng để sớm giải quyết vấn đề mà cử tri kiến nghị.
Trả lời chất vấn trực tiếp của đại biểu Thích Thanh Tình (đại biểu HĐND tỉnh khu vực Yên Khánh) về vấn đề ô nhiễm môi trường tại Khu công nghiệp Khánh Phú, Giám đốc Sở Tài nguyên-Môi trường thừa nhận trách nhiệm của Sở và sẽ có giải pháp thiết thực đôn đốc các doanh nghiệp thực hiện các cam kết về bảo vệ môi trường.
Phiên chất vấn và trả lời chất vấn trở nên sôi nổi hơn khi đại biểu Đỗ Việt Anh (đại biểu HĐND tỉnh khu vực Yên Mô) chất vấn Trưởng Ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh về vấn đề nhà ở và các thiết chế văn hóa thể thao cho công nhân các Khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Trưởng Ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Nguyễn Văn Bình cho biết đây là vấn đề khó, đã được Ban phối hợp với các sở ngành khảo sát, xây dựng kế hoạch nhưng ngân sách tỉnh còn khó khăn nên sẽ từng bước có biện pháp tháo gỡ, trước mắt sẽ kêu gọi các nhà đầu tư, doanh nghiệp cùng phối hợp thực hiện.
Trả lời ý kiến chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh về vấn đề hiện nay trên địa bàn tỉnh có nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ phải tạm dừng hoạt động hoặc giải thể do gặp khó khăn về vốn, chưa tiếp cận được với nguồn vốn vay ưu đãi theo Nghị quyết số 13/NQ-CP ngày 10-5-2012 của Chính phủ, lãnh đạo Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh giải trình: Thời gian qua, một số doanh nghiệp chưa tiếp cận được vốn tín dụng ngân hàng, chưa được vay với lãi suất hợp lý, do một số nguyên nhân chủ yếu: Trên địa bàn tỉnh, nguồn vốn huy động của các chi nhánh ngân hàng chỉ đáp ứng 50% dư nợ cho vay; một số doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn nhưng không đáp ứng đủ điều kiện vay như: thiếu dự án khả thi, năng lực tài chính, tài sản thế chấp không đảm bảo... nên không được các ngân hàng cho vay; nợ xấu của các doanh nghiệp cao, tài sản đảm bảo tiền vay cũng biến động; một số doanh nghiệp chưa cung cấp được các thông tin cần thiết, đủ độ tin cậy để được các ngân hàng thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi.
Các giải pháp được Ngân hàng Ninh Bình đưa ra là: Tăng cường đầu tư tín dụng, đáp ứng kịp thời các nhu cầu vốn hợp lý cho các doanh nghiệp có dự án, phương án sản xuất, kinh doanh khả thi, có hiệu quả; tiếp tục cho vay ngắn hạn với lãi suất ưu đãi, đáp ứng nhu cầu vốn cho nông nghiệp, nông thôn, sản xuất hàng xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa. Chủ động phối hợp với các doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn trong việc trả nợ và tiếp tục các khoản vay mới, nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp từng bước phục hồi, duy trì và mở rộng sản xuất, kinh doanh…
Đối với vấn đề một số công trình thi công chậm hoặc tạm dừng thi công kéo dài như: Trạm cấp nước xã Gia Minh, Gia Phong, Gia Phương (huyện Gia Viễn), ông Trần Văn Bách, Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT giải trình: Việc xây dựng Trạm cấp nước xã Gia Minh, Gia Phong, Gia Phương được phê duyệt xây dựng bằng nguồn vốn xây dựng cơ sở hạ tầng vùng phân lũ, chậm lũ do huyện Gia Viễn làm chủ đầu tư, đang thi công dở dang. Hiện tại, Chính phủ đã thông báo dừng cấp kinh phí dự án này. Năm 2012, UBND tỉnh đã có văn bản số 147 và số 181 về việc chuyển chủ đầu tư dự án Nhà máy nước xã Gia Minh, Gia Phong, Gia Phương do huyện Gia Viễn làm chủ đầu tư sang cho Chi cục Phát triển nông thôn. Hiện nay, Sở Nông nghiệp & PTNT đã chỉ đạo Chi cục Phát triển nông thôn tiếp nhận hồ sơ dự án, triển khai các bước tiếp theo và báo cáo UBND tỉnh để bố trí kinh phí vào kế hoạch năm 2013.
Về thực trạng triển khai thực hiện Đề án kiên cố hóa trường lớp học trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2008 - 2012 của UBND tỉnh như ý kiến chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh và cử tri, Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo Vũ Văn Kiểm nêu rõ: Thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án kiên cố hóa trường lớp học và nhà công vụ giáo viên giai đoạn 2008 - 2012, UBND tỉnh đã xây dựng Đề án số 23 về kiên cố hóa trường, lớp học trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2008-2012. Triển khai thực hiện Đề án, đến tháng 2-2012, toàn tỉnh mới đầu tư xây dựng được 905/1.609 phòng học, đạt 56% kế hoạch, số phòng học chưa được đầu tư theo kế hoạch là 704 phòng. Kết thúc giai đoạn triển khai thực hiện Đề án, toàn tỉnh vẫn còn tình trạng thiếu phòng học, học sinh còn phải học trong những phòng xuống cấp. Đối với 905 phòng học được xây dựng trong giai đoạn 2008 - 2012, tổng mức đầu tư thực tế là 408.739 triệu đồng, trong đó nguồn trái phiếu Chính phủ cấp cho cả giai đoạn là 139.403 triệu đồng, ngân sách tỉnh cấp hỗ trợ là 12.528 triệu đồng, còn lại là ngân sách huyện, xã và các nguồn huy động khác.
Nguyên nhân là do tình hình lạm phát, giá cả tăng dẫn tới suất đầu tư thực tế tăng rất nhiều so với tính toán ban đầu của Chính phủ và kế hoạch đầu tư ban đầu của Đề án. Theo lãnh đạo Sở Giáo dục - Đào tạo, giải pháp trong thời gian tới là đề nghị Chính phủ cho triển khai chương trình kiên cố hóa trường, lớp học giai đoạn 2013 - 2015, tạo điều kiện cho các địa phương tiếp tục xây kiên cố hóa các phòng học còn lại theo kế hoạch của Đề án. Đề nghị HĐND, UBND tỉnh có chính sách hỗ trợ kinh phí đầu tư từ nguồn ngân sách tỉnh cho các phòng học đã xuống cấp nghiêm trọng thuộc Đề án nhưng chưa được đầu tư…
Trả lời về nguyên nhân và giải pháp khắc phục tình trạng hiện nay trên địa bàn tỉnh có nhiều dự án đã được cấp phép đầu tư, giao đất từ nhiều năm nhưng không đầu tư hoặc có đầu tư nhưng thời gian thực hiện kéo dài, đầu tư nhỏ giọt, gây lãng phí tài nguyên đất và bức xúc trong nhân dân, lãnh đạo UBND tỉnh cho biết: Trên địa bàn tỉnh hiện nay có 451 dự án đã được chấp thuận đầu tư hoặc cấp giấy chứng nhận đầu tư, trong đó 54 dự án đã thu hồi, 397 dự án đang hoạt động hoặc đang trong quá trình đầu tư (360 dự án triển khai đúng tiến độ, 27 dự án chậm tiến độ và 10 dự án chưa triển khai thực hiện).
Các dự án chậm tiến độ có rất nhiều nguyên nhân: Công tác giải phóng mặt bằng của một số dự án gặp khó khăn do chưa nhận được sự đồng tình ủng hộ của người dân được thu hồi đất. Mặt khác, đến nay quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của tỉnh vẫn chưa được Chính phủ thông qua nên chưa thu hồi được đất lúa để thực hiện công tác đền bù giải phóng mặt bằng, giao đất cho chủ đầu tư thực hiện dự án. Một số chủ đầu tư chưa phối hợp với Hội đồng đền bù, giải phóng mặt bằng của địa phương (không tiến hành các thủ tục theo yêu cầu, không chuyển chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng để chi trả cho nhân dân). Đa số các dự án bị ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế cùng với chính sách thắt chặt tiền tệ của Chính phủ nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô nên các chủ đầu tư không vay được vốn của các tổ chức tín dụng để đẩy mạnh đầu tư.
Trong thời gian tới, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo các sở, ngành tập trung đôn đốc, kiểm tra, gặp gỡ, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp để các dự án triển khai đúng tiến độ, trước mắt trong năm 2012 thực hiện tốt Nghị quyết số 13 của Chính phủ về thực hiện việc miễn, giảm, gia hạn một số khoản thu ngân sách Nhà nước, cho phép chủ đầu tư điều chỉnh dự án theo điều kiện hạ tầng hiện tại của khu công nghiệp; cho phép các nhà đầu tư điều chỉnh giãn tiến độ thực hiện dự án, cam kết thực hiện dự án bằng các biện pháp như đặt cọc, ký quỹ, nộp thư bảo lãnh nếu không thực hiện đúng tiến độ với cam kết thì chủ đầu tư phải dừng dự án, tháo bỏ các hạng mục đã xây dựng để trả lại mặt bằng cho tỉnh, báo cáo UBND tỉnh xem xét, giải quyết cụ thể từng dự án.
Kết thúc phiên chất vấn và trả lời chất vấn, đồng chí Bùi Văn Thắng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã giải trình một số vấn đề nổi bật được nhiều đại biểu và cử tri quan tâm. Cử tri Nguyễn Hữu Cương (phường Vân Giang, thành phố Ninh Bình) cho biết: Theo dõi kỳ họp qua các phương tiện thông tin đại chúng, tôi thấy HĐND tỉnh đã dành nhiều thời gian cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn. Hoạt động này có nhiều đổi mới, phát huy dân chủ với tinh thần thẳng thắn, nghiêm túc, trách nhiệm, đi thẳng vào những vấn đề mà đại biểu cử tri quan tâm. Đặc biệt, phần giải trình của đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đã nêu lên nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ để triển khai thực hiện một số vấn đề đang được cử tri đặc biệt quan tâm như vấn đề ô nhiễm môi trường, khai thác khoáng sản, đầu tư xây dựng cơ bản, các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đảm bảo thu ngân sách đạt chỉ tiêu…
Qua chất vấn và trả lời chất vấn, thủ trưởng các sở, ngành đã giải trình, cung cấp thêm thông tin về nội dung được chất vấn, đồng thời nghiêm túc tiếp thu những yếu kém, khuyết điểm của ngành mình, thấy rõ trách nhiệm cá nhân và đưa ra giải pháp, lộ trình khắc phục. Đồng chí Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh, thủ trưởng các sở, ngành tiếp tục nghiên cứu, có biện pháp hữu hiệu để giải quyết những vấn đề mà các đại biểu HĐND tỉnh đã nêu, tạo bước chuyển biến thực sự trong công tác chỉ đạo, điều hành; đồng thời giao Thường trực, các Ban HĐND tỉnh giám sát việc thực hiện, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả hoạt động chất vấn.
Ngọc Minh - Quỳnh Thu