Phát biểu thảo luận tại hội trường, nhiều đại biểu bày tỏ nhất trí cao với báo cáo của Chính phủ về kế hoạch phát triển KT-XH 2017, các chỉ tiêu kế hoạch KT-XH đặt ra cho năm 2018; đánh giá cao quyết tâm của Chính phủ thực hiện nghị quyết của Quốc hội và đã có nhiều cố gắng để đạt và hoàn thành các chỉ tiêu đã đề ra.
Tuy nhiên, các đại biểu cho rằng, nhiệm vụ còn lại của năm 2017 rất nặng nề, để đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,7% như đã đề ra, trên cơ sở nhất trí với các giải pháp mà Chính phủ, một số đại biểu đề nghị đẩy mạnh xúc tiến đầu tư hiệu quả, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, xây dựng mạng lưới phân phối nông sản, tránh tình trạng giải cứu nông sản; đổi mới cơ chế quản lý tài chính, tài sản; thực hiện chế độ chính sách tinh giản biên chế, đẩy mạnh phân cấp phân quyền; cải cách thủ tục hành chính, xóa bỏ nhũng nhiễu, tiêu cực...
Về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018, một số đại biểu đề xuất kiến nghị: Chính phủ cần kịp thời cải cách chính sách thu, thực hiện nghiêm chủ trương giảm biên chế, giao dự toán theo đúng biên chế được giao, đẩy nhanh quá trình đổi mới cơ chế tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp để giảm chi ngân sách.
Đặc biệt phải cân nhắc khoản chi không thường xuyên, mua sắm sửa chữa lớn cho các đơn vị có nguồn thu lớn đã tự chủ được kinh phí hoạt động thường xuyên, tăng thu tiết kiệm chi, phải ưu tiên giảm bội chi trả nợ, kiểm soát chặt chẽ việc ký kết quản lý và sử dụng vốn vay ODA. Đồng thời sắp xếp lại kế hoạch đầu tư công 2018 để dành nguồn triển khai 2 dự án quan trọng quốc gia
Một số đại biểu đề nghị Chính phủ quan tâm giải quyết những điểm nghẽn trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn như: tiếp tục hạ lãi suất tín dụng sâu hơn, nhất là đối với lĩnh vực nông nghiệp; tập trung cho vấn đề khoa học công nghệ, nhất là công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp như giống cây, con. Theo hướng Nhà nước sẽ đứng ra đặt hàng với các viện nghiên cứu để các viện nghiên cứu sản xuất các loại giống cây con chủ lực và chuyển giao cho nông dân. Tập trung đào tạo nghề cho nông dân, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ở nông thôn, nâng cao năng suất lao động.
Ngoài ra, các đại biểu phân tích làm rõ những hạn chế, yếu kém trong công tác phòng, chống buôn lậu và gian lận thương mại; công tác bảo vệ rừng; các chính sách cho đồng bào dân tộc, miền núi, Tây Nguyên; vấn đề ô nhiễm môi trường; công tác chăm sóc, bảo vệ và giáo dục trẻ em; vấn đề giảm nghèo bền vững... trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp thực hiện tốt hơn trong thời gian tới.
Nhiều đại biểu hoan nghênh Chính phủ đã tổ chức hội nghị phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long trong điều kiện biến đổi khí hậu; đồng thời đề nghị Chính phủ chỉ đạo triển khai thực hiện các giải pháp đã nêu trong kết luận hội nghị; tập trung giải ngân vốn thực hiện các công trình ngăn mặn, điều tiết lũ; đầu tư các công trình trọng điểm để giải quyết điểm nghẽn về hạ tầng giao thông vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Trong phiên họp, các thành viên của Chính phủ như: Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã giải trình một số nội dung liên quan đến bảo vệ tài nguyên, môi trường, công tác phòng chống thiên tai; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng giải trình một số nội dung liên quan đến kế hoạch phát triển KT-XH, chất lượng tăng trưởng...
Mai Lan (Tổng hợp)