Với tinh thần thẳng thắn, trách nhiệm, phiên thảo luận đã thu hút được nhiều đại biểu tham gia phát biểu tập trung vào đánh giá và đề xuất nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế -xã hội của đất nước.
Theo đó, các đại biểu cơ bản đồng tình với báo cáo về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2022, cho rằng những tháng đầu năm 2022, kinh tế xã hội nước ta đã có nhiều khởi sắc, thể hiện rõ xu hướng phục hồi tăng trưởng. Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế, tồn tại, đồng thời dự báo những tháng còn lại của năm 2022 và những năm tiếp theo còn không ít những khó khăn, thách thức do tác động của tình hình kinh tế thế giới, những mặt trái của cơ chế thị trường.
Do đó, các đại biểu đề xuất nhiều giải pháp trong thời gian tới như: Đánh giá sát tình hình giá cả trên thị trường và điều hành linh hoạt chính sách tài khóa, tiền tệ; có những chính sách can thiệp kịp thời để bình ổn giá cả vật tư đầu vào. Mở rộng, đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu hàng hóa, thị trường vốn quốc tế và trong nước. Khuyến khích các doanh nghiệp mở rộng kinh doanh vào các lĩnh vực chế tạo và công nghệ cao. Kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp và người dân tiếp cận với gói hỗ trợ lãi suất. Tiếp tục tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, ứng dụng khoa học công nghệ, liên kết sản xuất, chế biến; giám sát, quản lý thị trường bất động sản, chứng khoán; chống thất thu thuế, tiêu cực trong đấu giá đất…
Một số đại biểu đề nghị Chính phủ sớm tổng kết, đánh giá tình hình, kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động theo Nghị quyết số 68; khẩn trương hỗ trợ cho người lao động còn khó khăn về nhà, yên tâm làm việc; hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh giữ chân lao động để phục vụ phục hồi sản xuất kinh doanh, góp phần phục hồi kinh tế xã hội.
Đồng thời đề nghị cần tiếp tục thực hiện hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, về phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, về giảm nghèo bền vững, về ứng phó biến đổi khí hậu. Tiếp tục đổi mới đào tạo nghề, trong đó cần đổi mới công tác tuyên truyền, tư vấn hướng nghiệp định hướng cho nông nghiệp, cho nông dân gắn với cơ cấu lao động, sinh kế và việc làm tại chỗ cho người lao động, tăng thu nhập cho người dân và coi đây là một trong những khâu đột phá trong xây dựng nông thôn, phát triển bền vững, văn minh, hiện đại.
Bên cạnh đó, nhiều đại biểu cho rằng Quốc hội và Chính phủ nên tiếp tục xem xét việc giảm thuế đối với xăng dầu, nhằm kiểm soát giá mặt hàng này không vượt ngưỡng cao để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh và người dân. Nghiên cứu tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường và thuế tiêu thụ đặc biệt, kiềm chế giá xăng dầu là yếu tố quan trọng giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô nên cần khẩn trương thực hiện linh hoạt, hiệu quả bởi giá xăng dầu tăng ở mức cao sẽ gây ra nhiều khó khăn cho nền kinh tế, làm giảm hiệu quả của chính sách tài khóa và tiền tệ.
Trong phiên thảo luận, các đại biểu cũng cho rằng, kết quả xử lý nợ xấu thời gian qua chưa thực sự vững chắc, thực trạng xử lý nợ xấu cho thấy nền kinh tế vẫn tiềm ẩn rủi ro, nợ xấu ngân hàng có khả năng tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới. Vì vậy, một số đại biểu đề nghị cần thiết kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu đến cuối năm 2023 để tránh bị khoảng trống pháp lý trong thời gian đợi gia cố khung khổ pháp luật về xử lý nợ xấu. Đồng thời đề nghị cần khẩn trương luật hóa quy định về xử lý nợ xấu nhằm tạo hành lang pháp lý ổn định cho công tác xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng…
Mai Lan