Tham gia thảo luận tại hội trường, đại biểu Nguyễn Thành Công (Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình) cơ bản đồng tình với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện nhằm thể chế hóa kịp thời các chủ trương, quan điểm mới của Đảng và Nhà nước; thúc đẩy việc quản lý, sử dụng tần số vô tuyến điện hiệu quả, góp phần phát triển hạ tầng số; phù hợp những thay đổi về bối cảnh, môi trường đầu tư và phát triển tần số vô tuyến điện; phù hợp với Chiến lược phát triển hạ tầng số giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030 của Chính phủ.
Góp ý cụ thể về vấn đề "quy hoạch giới hạn tổng độ rộng băng tần cho một tổ chức sử dụng triển khai mạng thông tin di động mặt đất", đại biểu cho rằng hiện nay, các quy định về tổ chức đấu giá, thi tuyển để cấp phép sử dụng tần số, chuyển nhượng quyền sử dụng tần số đều chưa rõ ràng, cụ thể. Chưa có cơ chế quản lý, kiểm tra tình trạng sử dụng trên thực tế đối với các doanh nghiệp sử dụng băng tần được cấp phép. Chưa làm rõ nội dung cam kết triển khai mạng viễn thông...
Việc quy định "tùy theo tính chất, mức độ vi phạm" mà không có hướng dẫn chi tiết sẽ dẫn đến áp dụng tùy nghi, không minh bạch, khó triển khai trên thực tiễn. Vì vậy, để thúc đẩy phát triển hạ tầng viễn thông, đảm bảo công bằng, thúc đẩy tính cạnh tranh về chất lượng dịch vụ, kích thích tăng cường đầu tư về công nghệ - thiết bị, đại biểu kiến nghị Luật cần bổ sung những quy định cụ thể, chi tiết và đầy đủ về: tiêu chí, điều kiện, trường hợp doanh nghiệp được cấp phép sử dụng tần số vô tuyến điện thông qua 3 hình thức cấp phép trực tiếp, đấu giá, thi tuyển; nội dung cam kết triển khai mạng viễn thông; các biện pháp quản lý nhà nước đảm bảo thực hiện viễn thông. cam kết triển khai mạng viễn thông và chế tài xử lý vi phạm hành chính khi doanh nghiệp không thực hiện đúng cam kết triển khai mạng viễn thông.
Trong trường hợp nếu vẫn giữ nguyên quy định theo hướng giới hạn tổng độ rộng băng tần cho một tổ chức sử dụng, dự thảo Luật cần phải bổ sung quy định cụ thể về nguyên tắc và tiêu chí xác định hạn mức nhằm tăng tính minh bạch trong quản lý nhà nước và đảm bảo tính khả thi của Luật.
Đồng thời, đề nghị quy định áp dụng cho nhóm công ty chứ không chỉ cho từng công ty đơn lẻ để tránh tình trạng băng tần được cấp cho nhiều công ty nhưng các công ty này lại cùng 1 tập đoàn, cùng nhóm công ty.
Góp ý về vấn đề sử dụng tần số phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh kết hợp với phát triển kinh tế - xã hội, đại biểu đề nghị nội dung này cần phải cân nhắc rất cẩn trọng, đánh giá kỹ lưỡng hơn, vì: xét về mặt công nghệ, việc sử dụng cùng 1 tần số cho 2 mục đích vừa để kinh doanh, vừa để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh là rất khó khăn do có sự khác biệt về đặc điểm hạ tầng, vận hành, khai thác, đặc điểm hoạt động phục vụ quốc phòng, an ninh là có tính ưu tiên bảo mật đặc biệt, khác với hoạt động phát triển kinh tế - xã hội là có tính minh bạch, cạnh tranh cao.
Việc sử dụng kết hợp như vậy có thể làm ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao, tiềm ẩn nguy cơ làm lộ, lọt bí mật nghiệp vụ, bí mật quốc phòng, an ninh, bí mật quốc gia.
Bên cạnh đó, Luật Tần số vô tuyến điện năm 2009 đã phân tách rõ nội dung quy định về quản lý, sử dụng tần số vô tuyến điện phục vụ mục đích kinh tế và mục đích quốc phòng, an ninh. Với tính chất bí mật và mục đích đặc thù, chỉ có Bộ Quốc phòng và Bộ Công an được phép và có trách nhiệm sử dụng, quản lý các tần số này. Quy định như dự thảo Luật là đi ngược lại với mục tiêu quan trọng, ưu tiên ban đầu để phân bổ tần số này.
Xét về mặt kinh tế, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ về tính khả thi, minh bạch, phương án sử dụng để tách bạch rõ ràng về kinh phí ngân sách giành cho quốc phòng, an ninh với kinh phí đầu tư cho hoạt động kinh doanh, thương mại; cơ chế tiếp cận, kiểm tra, giám sát hoạt động doanh nghiệp của cơ quan quản lý nhà nước cũng như doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ tài chính và các nghĩa vụ khác đối với Nhà nước theo Quy định của Luật Doanh nghiệp…
Đại biểu Nguyễn Thành Công cũng đặt vấn đề: Do tính chất đặc thù, tần số được phân bổ riêng cho mục đích quốc phòng, an ninh và được Bộ Quốc phòng, Bộ Công an sử dụng mà không phải cấp phép thông qua cấp phép trực tiếp, đấu giá, thi tuyển như đối với các doanh nghiệp thông thường phục vụ cho mục đích kinh doanh.
Như vậy, khi chuyển mục đích sử dụng tần số có kết hợp quốc phòng, an ninh và phát triển kinh tế, doanh nghiệp quốc phòng, an ninh có cần bán đấu giá không, nếu không liệu có không nhất quán với quy định về tiêu chí, điều kiện cấp phép sử dụng tần số vô tuyến điện, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh trong thị trường viễn thông hay không?. Vì vậy, đại biểu đề nghị cần cân nhắc, kỹ lưỡng vấn đề sử dụng tần số phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh kết hợp với phát triển kinh tế - xã hội.
Trước đó, vào phiên họp buổi sáng, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án dự án Luật Dầu khí (sửa đổi). Đồng thời xem xét, biểu quyết thông qua Luật Điện ảnh (sửa đổi), Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) và biểu quyết thông qua Nghị quyết về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020.
Minh Ngọc