Đây là nội dung được Quốc hội dành 1,5 ngày để thảo luận. Phiên họp được truyền hình, phát thanh trực tiếp để cử tri, nhân dân theo dõi.
Trong 1,5 ngày qua đã có nhiều ý kiến thẳng thắn, sâu sắc, thể hiện tâm huyết, trách nhiệm của đại biểu Quốc hội đối với nhiều vấn đề quan trọng của đất nước và những vấn đề cử tri, nhân dân quan tâm.
Tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ trưởng Bộ Tài chính; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã có báo cáo giải trình, tiếp thu, làm rõ các vấn đề nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm.
Tham gia thảo luận tại hội trường sáng 2/6, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình) đánh giá cao sự chuẩn bị báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội cũng như báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế về những kết quả đạt được trong thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và trong những tháng đầu năm 2022. Đồng tình với những nhận định thẳng thắn, trách nhiệm về những hạn chế; nguyên nhân và phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới mà Chính phủ đã đề cập trong báo cáo.
Trên cơ sở một số vấn đề nổi lên về thị trường trái phiếu doanh nghiệp thời gian qua, đại biểu đã tham gia làm rõ một số nhiệm vụ, giải pháp để phát triển an toàn, bền vững thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Theo đại biểu: Thị trường trái phiếu doanh nghiệp có tốc độ phát triển mạnh mẽ, trở thành một kênh cấp vốn trung và dài hạn quan trọng của doanh nghiệp. Nhưng cùng với sự tăng trưởng nóng là những rủi ro tiềm ẩn về chất lượng sản phẩm khi có nhiều loại trái phiếu phát hành không tài sản bảo đảm, không bảo lãnh thanh toán, không xếp hạng tín nhiệm. Nhiều trái phiếu doanh nghiệp sắp đến kỳ đáo hạn nhưng "sức khỏe" của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp bất động sản đang sụt giảm do chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID - 19 nên dễ đối mặt với rủi ro doanh nghiệp không có khả năng trả nợ đến hạn.
"Điều đáng ghi nhận là ngay khi thị trường trái phiếu doanh nghiệp manh nha những rủi ro thì cơ quan quản lý Nhà nước đã kịp thời phát đi những cảnh báo rủi ro. Thủ tướng Chính phủ cũng đã có công điện để tăng cường công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra, phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Mặc dù vậy, qua những vụ việc như vụ Tân Hoàng Minh cho thấy, cơ chế, chính sách của Nhà nước đã bị lợi dụng, dẫn đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp bộc lộ những bất cập, hạn chế như: điều kiện phát hành còn lỏng lẻo; tiêu chí đánh giá xếp hạng doanh nghiệp phát hành và sự kiểm tra, giám sát quản lý của cơ quan chủ quản và các cơ quan liên quan chưa quyết liệt. Nhiều cá nhân đầu tư chưa được trang bị đầy đủ kiến thức về pháp luật và hiểu biết về thị trường"- đại biểu Trần Thị Hồng Thanh bày tỏ quan điểm.
Để phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong thời gian tới được an toàn bền vững, đại biểu kiến nghị Chính phủ cần rà soát lại các cơ chế, chính sách, tập trung sơ kết, tổng kết để sớm sửa đổi hoặc trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, hoàn thiện hành lang pháp lý đối với hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
Trong đó, cần tiếp tục siết chặt hơn các quy định quản lý Nhà nước về phát hành trái phiếu doanh nghiệp như: về điều kiện để được phát hành trái phiếu doanh nghiệp, doanh nghiệp phải có tài sản đảm bảo, bắt buộc phải có đánh giá xếp hạng tín nhiệm; cần có quy định pháp lý để thúc đẩy sự ra đời của tổ chức xếp hạng tín nhiệm và giám sát hoạt động của các tổ chức này.
Cần sửa đổi quy định để nâng cao mức độ công khai hóa, minh bạch hóa thông tin cũng như các quy định an toàn tài chính. Sửa đổi quy định về mục đích phát hành trái phiếu nhằm tăng cường trách nhiệm và nghĩa vụ của doanh nghiệp phát hành trong việc sử dụng tiền huy động đúng mục đích.
Đại biểu cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan quản lý đẩy mạnh hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát việc tuân thủ pháp luật về phát hành đầu tư, giao dịch và sử dụng vốn thu được từ phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp. Tiến hành xử phạt nghiêm, công bố rộng rãi trên phương tiện thông tin đại chúng. Trường hợp xác định có dấu hiệu tội phạm và khẩn trương chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Trước tình trạng liên tiếp xuất hiện những sai phạm, rủi ro tiềm ẩn và thông tin không chính xác trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp làm ảnh hưởng đến tâm lý gây lo lắng cho nhà đầu tư, tiềm ẩn áp lực tiêu cực cho dòng chảy vốn đầu tư xã hội, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh cho rằng những vi phạm đó chỉ là cá biệt riêng lẻ và việc xử lý nghiêm minh là hành động cần thiết nhằm đảm bảo lợi ích của nhà đầu tư, doanh nghiệp phát hành ổn định thị trường. Do đó, cần tăng cường tuyên truyền, cung cấp thông tin chính thống, chính xác, kịp thời cho các nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, đại biểu cũng cho rằng để tăng tính thanh khoản, quay vòng vốn và chia sẻ, hạn chế rủi ro trong thị trường trái phiếu doanh nghiệp nói riêng và thị trường tài chính nói chung cần phải có thị trường mua bán nợ chuyên nghiệp. Thực tiễn đặt ra yêu cầu cần phải sớm xây dựng khung pháp lý để hình thành, phát triển thị trường mua bán nợ chuyên nghiệp.
Buổi chiều, Quốc hội thảo luận ở hội trường về: Phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2020; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021.
Mai Lan