Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV: Đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về Luật Tần số vô tuyến điện
Thứ Bảy, 04/06/2022, 07:02
Zalo
Tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, chiều 3/6, Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện và Dự án Luật Dầu khí (sửa đổi). Đoàn ĐBQH tỉnh tham gia thảo luận ở Tổ 15 cùng với Đoàn ĐBQH các tỉnh: Hưng Yên, Hà Tĩnh và Ninh Thuận.
Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV: Đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về Luật Tần số vô tuyến điện
Quan tâm thảo luận về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện, đại biểu Nguyễn Thị Thanh, UVT.Ư Đảng, Trưởng Ban công tác đại biểu Quốc hội (Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình) cho rằng trong dự thảo hiện hành đang xác định có 3 phương thức cấp giấy phép sử dụng là đấu giá, thi tuyển và cấp trực tiếp.
Lần này chọn ra 1 phương thức ưu tiên hơn là đấu giá, còn thi tuyển đưa ra giấy phép, đây là những phương thức phổ biến theo thông lệ quốc tế. Tuy nhiên qua tổng kết Luật Tần số vô tuyến điện, từ năm 2009 đến nay thì phương thức này chưa thực hiện thành công và không cấp phép được băng tần nào bằng hình thức thi tuyển.
Do vậy cần đánh giá kỹ hơn hiệu quả của các phương thức này để chỉ rõ nguyên nhân của những vướng mắc, bất cập và dự báo tác động toàn diện của các phương thức trên đến việc thực hiện Luật này trong tương lai.
Góp ý về quy định xã hội hóa công tác đào tạo với vô tuyến điện viên, đại biểu cho rằng chính sách về xã hội hóa là phù hợp, đúng xu hướng tuy nhiên cần nghiên cứu nội dung đào tạo, cấp chứng chỉ vô tuyến điện viên, có đáp ứng đủ việc cấp chứng chỉ, tiêu chuẩn điều kiện cho cơ sở ko? Cần quy định đào tạo vô tuyến viên trong lĩnh vực Quốc phòng an ninh thì phải do Bộ Công an và Bộ Quốc phòng đào tạo và cấp chứng chỉ.
Cùng tham gia thảo luận về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện, đại biểu Nguyễn Thành Công (Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình) nhất trí với sự cần thiết phải ban hành dự án Luật nhằm thể chế hóa kịp thời các chủ trương, quan điểm mới của Đảng và Nhà nước; thúc đẩy việc quản lý, sử dụng tần số vô tuyến điện hiệu quả, góp phần phát triển hạ tầng số; tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng, minh bạch; quản lý, đào tạo nguồn nhân lực, cũng như bảo đảm quy định thống nhất trong hệ thống pháp luật.
Đại biểu Nguyễn Thành Công (Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình) tham gia thảo luận tại tổ. Ảnh: CTV
Cũng theo đại biểu, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 17 điều, trong đó có 5 khoản giao Chính phủ quy định chi tiết và 4 điều giao Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện theo thẩm quyền, như vậy là chưa phù hợp với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, cũng như có thể làm ảnh hưởng đến tính khả thi, hiệu lực của luật.
Tham gia thảo luận cụ thể về "vấn đề quy hoạch giới hạn tổng độ rộng băng tần cho một tổ chức sử dụng triển khai mạng thông tin di động mặt đất", đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ hơn việc quy định phân bổ các khối băng tần phải theo các nguyên tắc nào, ai là người có thẩm quyền thực hiện phân bổ? Đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc, có quy định cụ thể về kế hoạch sử dụng, cơ chế quản lý, kiểm tra tình trạng sử dụng trên thực tế đối với các doanh nghiệp sử dụng băng tần được cấp phép cũng như chế tài xử lý thỏa đáng, rõ ràng.
Góp ý về vấn đề "sử dụng tần số phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh kết hợp với phát triển kinh tế - xã hội", đại biểu đề nghị Cơ quan soạn thảo cần cung cấp thêm thông tin, kinh nghiệm quốc tế để đại biểu Quốc hội có thêm cơ sở cho ý kiến về vấn đề này. Theo đại biểu, vấn đề này cần cân nhắc rất cẩn trọng, liên quan đến bảo đảm quốc phòng, an ninh, bí mật quốc gia và không nên quy định nội dung này trong luật.
Trong phiên thảo luận, nhiều đại biểu tham gia góp ý về dự thảo Luật Dầu khí.
Trước đó, trong phiên họp buổi sáng, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam.
Tại phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội cơ bản tán thành với Tờ trình của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội. Đồng thời tập trung thảo luận về các quy định: về mục đích, quan điểm xây dựng nghị quyết và về nguyên tắc thực hiện thí điểm bảo đảm an toàn, tự nguyện, bình đẳng; số lượng trại giam về nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm có các chủ thể; về thí điểm tổ chức lao động cho phạm nhân ngoài trại giam…