Thảo luận ở hội trường về Báo cáo công tác năm 2016 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, đại biểu Mai Khanh (Đoàn Ninh Bình) cho rằng: Trong những năm qua, mặc dù được Quốc hội quan tâm, nhưng đến nay do tình hình nhiệm vụ của ngành Tòa án phát triển, sự quan tâm của xã hội cũng như tính chất quan trọng trong các phán quyết của Tòa đã dẫn đến việc biên chế của ngành Tòa án, nhất là biên chế thẩm phán của Tòa án các cấp chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.
Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến kết quả việc giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm còn thấp, trong đó cũng có nguyên nhân từ việc điều chuyển thẩm quyền. Trước đây, thẩm quyền xem xét kháng nghị giám đốc thẩm thuộc về Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh, việc giải quyết giám đốc thẩm được phân cấp cho Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân tỉnh, nhưng sau khi chuyển về Tòa cấp cao thì biên chế thiếu, đơn giám đốc thẩm nhiều, do vậy việc tồn đọng án ở Tòa án cấp cao nhiều. Điều này cũng làm cho việc giải quyết các vụ án trong ngành tòa án không thuận lợi, gây bức xúc cho người dân.
Từ thực tế, đại biểu Mai Khanh đề nghị cần phải có sự điều chỉnh, ví dụ có thể khôi phục thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm cho Chánh án Tòa án tỉnh và thẩm quyền xem xét giải quyết giám đốc thẩm cho Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân tỉnh. Có như vậy mới có thể giải quyết nhanh chóng, kịp thời những kiến nghị giám đốc thẩm của người dân.
Đối với việc phòng, chống oan sai, đại biểu Mai Khanh nêu lên một thực tế: Từ một số vụ án oan sai kéo dài gần đây cho thấy, dù chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong hàng trăm nghìn vụ án mà Tòa đã xét xử mỗi năm, nhưng việc oan sai gây hậu quả rất lớn, ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân với các cơ quan tố tụng.
Trong báo cáo của 3 ngành tố tụng, việc đề cập đến nguyên nhân oan sai chưa rõ ràng và hướng khắc phục chưa cụ thể. Qua nghiên cứu thấy rằng, việc oan sai hầu như xuất phát từ nguyên nhân chủ quan, lỗi của con người. Có nhiều vụ án mặc dù đã xét xử đi xét xử lại nhiều lần và Tòa án xác định rõ có vi phạm nghiêm trọng trình tự tố tụng nhưng quan điểm của một số cơ quan điều tra hay của điều tra viên vẫn cho rằng đây là thiếu sót, những hạn chế không ảnh hưởng đến bản chất vụ án.
Theo quy định của pháp luật về tố tụng, từ "sai sót" hay "thiếu sót" không nằm trong những yếu tố được xem xét, chỉ là sai sót trong biện pháp nghiệp vụ. Trong khi đó, theo luật tố tụng chỉ có xác định là vi phạm hay không vi phạm thủ tục tố tụng và những vi phạm đó có ảnh hưởng đến vụ án hay không.
Chính vì có nhận thức khác nhau như vậy nên có những vụ việc được xem xét rất nhiều lần nhưng đến nay chưa có kết quả. Để phòng, chống oan sai, các cơ quan điều tra cũng như các cơ quan cần phải chấp hành nghiêm trình tự, thủ tục điều tra, truy tố, xét xử, đảm bảo tinh thần thượng tôn pháp luật.
Cũng trong phiên thảo luận, các đại biểu tập trung phân tích, đánh giá thêm về diễn biến tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật năm 2016, đồng thời chỉ ra một số hạn chế, nguyên nhân trong công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật.
Các đại biểu cho rằng, hiện nay một số loại tội phạm, vi phạm pháp luật đang có diễn biến phức tạp như: tình trạng khai thác cát trái phép; tội phạm ma túy, công tác tổ chức cai nghiện ma túy, tình trạng sử dụng ma túy trong thanh thiếu niên hiện nay; tội phạm tham nhũng; tội phạm về môi trường, xâm hại tài nguyên; tội phạm liên quan vệ sinh an toàn thực phẩm…
Ghi nhận những chuyển biến tích cực trong công tác phối hợp giữa 3 ngành: công an, kiểm sát và tòa án trong công tác điều tra, truy tố, xét xử, bồi thường oan sai, trong công tác thống kê hình sự, các đại biểu Quốc hội cũng đề nghị tăng cường phối hợp hơn nữa để đấu tranh có hiệu quả chống hành vi tổ chức sử dụng chất ma túy, lợi dụng giám định tâm thần để thoát tội, khắc phục các sơ hở trong quản lý nhà nước ở cơ sở…
Thảo luận về kết quả công tác phòng, chống tham nhũng năm 2016, các đại biểu cũng đề xuất một số giải pháp đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng thời gian tới như: cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, khắc phục sơ hở trong quản lý các lĩnh vực; kiểm soát việc kê khai tài sản; tăng cường thu hồi tải sản tham nhũng; phát huy sức mạnh, sự tham gia và vai trò giám sát của nhân dân đối với công tác phòng, chống tham nhũng; hoàn thiện phương thức lãnh đạo của Đảng…
Ngoài các vấn đề trên, trong phiên thảo luận, các đại biểu tập trung đóng góp về: những hạn chế trong công tác thi hành án dân sự; về quyền kiểm sát thi hành án dân sự của Viện kiểm sát nhân dân…
Mai Lan