Mở đầu phần chất vấn, đồng chí Đinh Chung Phụng, TVTU, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã trả lời 4 vấn đề thuộc thẩm quyền.
Trong đó đáng chú ý là về việc khu công nghiệp Tam Điệp được xác định là một trong 3 khu công nghiệp trọng điểm của tỉnh nhưng tỷ lệ đầu tư của tỉnh cho KCN này còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu thu hút đầu tư.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, KCN Tam Điệp được tách thành KCN Tam Điệp I (diện tích 64 ha, giữ nguyên hiện trạng) và KCN Tam Điệp II (diện tích 386 ha). Hiện nay các công trình hạ tầng ở KCN Tam Điệp I đang đầu tư hoàn thiện vì vậy không ảnh hưởng đến công tác thu hút đầu tư.
Riêng đối với KCN Tam Điệp II là KCN xây dựng mới, chủ trương của tỉnh là không xây dựng hạ tầng KCN này bằng vốn ngân sách mà phải kêu gọi đầu tư bằng vốn của các nhà đầu tư.
Trong thời gian tới UBND tỉnh chỉ đạo Ban Quản lý các KCN tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư tăng cường hoạt động xúc tiến, kêu gọi thu hút các nhà đầu tư vào kinh doanh kết cấu hạ tầng các KCN trên địa bàn tỉnh, trong đó có KCN Tam Điệp.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng trả lời các vấn đề liên quan đến việc cấp nước sạch phục vụ sinh hoạt; việc điều chỉnh giá đất dự án khách sạn 5 sao Tam Cốc-Bích Động (phường Ninh Phong, thành phố Ninh Bình); việc thực hiện nghĩa vụ thuế, phí và các nghĩa vụ khác của các nhà máy xi măng đang hoạt động trên địa bàn…
Đồng chí Vũ Mạnh Dương, Giám đốc Sở Y tế trả lời về vấn đề hiện nay nhiều trạm y tế cấp xã xuống cấp, thiếu trang thiết bị và cán bộ y tế nhưng vẫn được phân bổ nhiều thẻ bảo hiểm y tế khám chữa bệnh ban đầu.
Trong khi đó, một số bệnh viện tuyến tỉnh có cơ sở vật chất, trang thiết bị tốt nhưng lại được phân bổ ít. Điều này ảnh hưởng đến quyền lợi của người tham gia khám chữa bệnh bằng thẻ bảo hiểm y tế, gây khó khăn cho người bệnh.
Đồng chí Giám đốc Sở Y tế cho biết: Việc phân bổ số thẻ y tế khám chữa bệnh ban đầu cho các cơ sở khám chữa bệnh được thực hiện theo đúng quy định của Luật BHYT và Thông tư hướng dẫn của Bộ Y tế.
Các cơ sở được đăng ký khám chữa bệnh ban đầu (kể cả trạm y tế xã) đều đã được Sở Y tế thẩm định đủ điều kiện theo quy định.
Việc này nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người bệnh khi đi khám và điều trị các bệnh thông thường, những trường hợp bệnh nặng sẽ được chuyển tuyến điều trị theo quy định, góp phần giảm tải cho bệnh viện tuyến trên để các đơn vị này tập trung phát triển các kỹ thuật mang tính mũi nhọn, chuyên sâu và giải quyết các trường hợp bệnh khó từ tuyến trước chuyển đến.
Do đó, việc phân bổ thẻ BHYT như trên không ảnh hưởng tới việc cân đối, sử dụng quỹ khám chữa bệnh BHYT cho các bệnh viện. Ngoài ra, Giám đốc Sở Y tế cũng đã trả lời một số vấn đề khác thuộc thẩm quyền của Sở.
Đồng chí Nguyễn Phong Phú, Giám đốc Sở Lao động, thương binh và xã hội trả lời chất vấn về việc một số doanh nghiệp xuất khẩu lao động trên địa bàn tỉnh không thanh lý hợp đồng cho 57 lao động về nước trước thời hạn theo quy định (trong đó có những trường hợp phải thanh lý hợp đồng từ năm 2009-2010).
Một số trường hợp ngân hàng chính sách xã hội đã chuyển tiền vay cho doanh nghiệp từ năm 2008, 2009 nhưng đến nay vẫn chưa đưa người đi, ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động, niềm tin của nhân dân và khó khăn cho việc thu hồi vốn vay xuất khẩu lao động.
Đối với vấn đề trên, Sở đã có văn bản chỉ đạo yêu cầu các doanh nghiệp báo cáo giải trình, đồng thời phối hợp mời các thành phần có liên quan để bàn và tìm biện pháp tháo gỡ.
Nhưng đến nay vấn đề này vẫn chưa được giải quyết triệt để vì: một số lao động ký hợp đồng đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài với doanh nghiệp xuất khẩu lao động trước đây nhưng hiện nay doanh nghiệp này đã chuyển chủ sử dụng khác quản lý, điều hành.
Trong quá trình bàn giao công việc giữa chủ sử dụng cũ và mới không được cụ thể, rõ ràng, gây khó khăn trong việc thanh lý hợp đồng. Mặt khác một số lao động còn chây ỳ không chịu hợp tác với doanh nghiệp để thực hiện thanh lý hợp đồng hoặc đã về nước nhưng không có mặt tại địa phương.
Trong thời gian tới Sở sẽ phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng CSXH tỉnh và các ngành liên quan giải quyết triệt để vấn đề này.
Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Giám đốc Công ty TNHH MTV Điện lực Ninh Bình Ngô Nam Phòng trả lời về việc nhiều khu dân cư trên địa bàn thành phố Ninh Bình và các huyện hay xảy ra tình trạng mất điện với thời gian kéo dài làm ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt của nhân dân.
Công ty Điện lực Ninh Bình tiếp thu ý kiến của cử tri và cho biết mặc dù đã triển khai nhiều giải pháp như san tải, hoán đổi, nâng cấp công suất trạm biến áp… nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của khách hàng.
Nguyên nhân chính là do thời tiết nắng nóng kéo dài, nhu cầu sử dụng các thiết bị điện của khách hàng tăng đột biến, phụ tải tăng cao ở nhiều khu vực thành phố và nông thôn, cá biệt có nơi phụ tải tăng trên 200%, làm quá tải nhiều trạm biến áp, gây chập áp… làm mất điện cục bộ ở một số khu vực.
Hiện nay Công ty đang tiếp tục thực hiện các giải pháp cấp điện hè năm 2015 nhằm ứng phó với các đợt nắng nóng và mùa mưa bão tiếp theo.
Ngoài ra Công ty cũng khuyến cáo khách hàng sử dụng năng lượng hiệu quả, hạn chế sử dụng vào giờ cao điểm. Sử dụng điện tiết kiệm cũng là nghĩa vụ và trách nhiệm của mỗi cá nhân, gia đình, doanh nghiệp và xã hội.
Giám đốc Công ty TNHH MTV Điện lực Ninh Bình cũng trả lời các ý kiến chất vấn của đại biểu tại hội trường về các vấn đề như: việc xác định chỉ số công tơ điện của khách hàng; thái độ phục vụ của đội ngũ cán bộ, nhân viên trong ngành.
Trong phiên chất vấn lãnh đạo Sở Giao thông vận tải cũng trả lời về tình trạng xe quá khổ, quá tải trên địa bàn.
Đồng chí Đinh Văn Điến, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã trả lời và làm rõ thêm một số vấn đề.
Về kết quả thực hiện những giải pháp chỉ đạo, điều hành nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nâng cao sức cạnh tranh của tỉnh, UBND tỉnh đã xác định các nhiệm vụ trọng tâm, trong đó có 2 nhiệm vụ quan trọng với các giải pháp mang tính đột phá.
Đó là, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính việc thực hiện Quy chế của UBND tỉnh về theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các văn bản, ý kiến chỉ đạo điều hành của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh.
6 tháng đầu năm 2015, đã nhận 8.500 văn bản đến, ban hành hơn 4.100 văn bản chỉ đạo, điều hành. Chất lượng giải quyết công việc, trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị được nâng lên...
Các doanh nghiệp, tổ chức và người dân đã đánh giá và chỉ số PCI Ninh Bình được xếp thứ 11 trong cả nước, tăng 17 bậc so với năm trước.
UBND tỉnh đã cũng đã xác định tháo gỡ khó khăn phải trên cơ sở thực hiện đúng quy định của pháp luật, gắn với thực tiễn, sửa chữa những bất cập và lấy đó làm bài học kinh nghiệm để điều chỉnh, hoàn thiện việc xây dựng các quy định ngay ở cơ sở, cùng với sự đồng thuận của doanh nghiệp, để phát huy mọi nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội.
UBND tỉnh đã cân nhắc, lựa chọn đúng chuyên đề, trọng điểm để tháo gỡ, được người dân và cộng đồng doanh nghiệp đồng thuận ủng hộ.
Tiêu biểu là công tác GPMB thuận lợi hơn, dự án đường kết nối cao tốc với quốc lộ 1 dù chưa có khu tái định cư, chưa bố trí kịp kinh phí chi trả GPMB nhưng người dân đã đồng tình, tự nguyện tháo dỡ để thực hiện dự án.
Đã giải quyết khó khăn về vùng nguyên liệu thức ăn cho chăn nuôi, nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, tạo sự liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp bò thịt, sữa Yên Phú vùng Nho Quan.
Tháo gỡ khó khăn về xây dựng quy hoạch để thực hiện dự án khu du lịch Kênh Gà - Vân Trình của Tập đoàn The Vissai…
Đồng chí Đinh Văn Điến, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị các vị đại biểu HĐND tỉnh tiếp tục quan tâm, theo dõi, giám sát và kịp thời phản ánh ý kiến kiến nghị của cử tri, của doanh nghiệp; cùng với UBND tỉnh xem xét tháo gỡ, giải quyết những khó khăn, vướng mắc theo đúng quy định pháp luật, phù hợp với thực tiễn giúp kinh tế, xã hội của tỉnh phát triển bền vững.
Đào Duy-Đinh Ngọc-Thế Minh