Theo đó, về báo cáo công tác của ngành kiểm sát, các đại biểu tập trung cho ý kiến: công tác thực hành quyền công tố, điều tra, thi hành án, chất lượng tranh tụng, công tác giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm; kết quả đạt được, hạn chế, nguyên nhân và giải pháp khắc phục.
Về công tác của Tòa án, các đại biểu tập trung thảo luận về công tác giải quyết xét xử các vụ án, giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, giải quyết yêu cầu áp dụng các biện pháp hành chính của tòa án nhân dân các cấp; những kết quả đạt được, hạn chế, nguyên nhân và giải pháp khắc phục.
Đối với công tác thi hành án, các đại biểu tập trung cho ý kiến về công tác chỉ đạo tổ chức thi hành các dự án trọng điểm có giá trị tài sản lớn, liên quan đến các tổ chức tín dụng, án kinh tế, tham nhũng; các giải pháp xử lý án dân sự tồn đọng qua nhiều năm; công tác quản lý cán bộ, công chức, đảm bảo kỷ luật, kỷ cương trong thi hành công vụ; nguyên nhân và giải pháp khắc phục; công tác giam giữ, giáo dục, quản lý, cải tạo phạm nhân, tình trạng phạm nhân vi phạm tại các cơ sở giam giữ...
Trong phiên thảo luận, nhiều đại biểu đã quan tâm đến công tác phòng, chống tham nhũng. Trong đó, tập trung làm rõ tình hình tham nhũng hiện nay về tính chất, mức độ, hậu quả so với các giai đoạn trước và năm 2019. Đánh giá ưu điểm, tồn tại, hạn chế, nguyên nhân trong triển khai thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng; thực trạng công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, kết quả đạt được, hạn chế, khó khăn, bất cập; trách nhiệm của các bộ, ngành các cấp, cơ quan tổ chức, đơn vị; đánh giá hoạt động của cơ quan chuyên trách phòng chống tham nhũng; đánh giá tính khả thi, hiệu quả của những giải pháp nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập trong công tác phòng, chống tham nhũng trong năm 2021 và những năm tiếp theo.
Từ thực tế công tác phòng, chống tham nhũng, một số đại biểu cho rằng, ngoài giải pháp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật thì việc tiếp tục xử lý hành vi tham nhũng không có vùng cấm sẽ có tác động tích cực trong phòng ngừa, ngăn chặn. Cán bộ thanh tra, kiểm toán phải thể hiện tinh thần trách nhiệm cao trong thực thi công vụ, không vì áp lực hay vì lý do khác nhau mà bỏ qua sai sót nghiêm trọng của tổ chức, cá nhân sai phạm.
Một số đại biểu cũng đề nghị Chính phủ sớm ban hành các quy định cụ thể về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn nhằm khắc phục, hạn chế của tình trạng này trong thời gian qua khi các vụ việc xảy ra các cơ quan chức năng khó xử lý theo đúng quy định của pháp luật...
Cho ý kiến về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2020, đa số đại biểu tán thành với báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra và cho rằng công tác phát hiện, xử lý vi phạm pháp luật và tội phạm đã đạt được nhiều kết quả tích cực, đạt nhiều chỉ tiêu yêu cầu của Quốc hội.
Tuy nhiên, kết quả phát hiện vi phạm pháp luật và tội phạm trên một số lĩnh vực vẫn chưa tương xứng với tình hình trên thực tế, nhất là vi phạm pháp luật và tội phạm về lĩnh vực tài nguyên môi trường, hàng giả, buôn lậu, gian lận thương mại; tội phạm, vi phạm pháp luật về chức vụ, tham nhũng.
Do đó, các đại biểu đề nghị Chính phủ, các cơ quan tư pháp cần có đánh giá cụ thể về công tác phòng ngừa các loại tội phạm; đồng thời có giải pháp đấu tranh hiệu quả trong thời gian tới.
Đại biểu cũng đề xuất một số giải pháp, như kịp thời, quyết liệt chặn đứng sự gia tăng của một số loại tội phạm. Các ngành, các cấp ở địa phương, người đứng đầu cần quản lý chặt chẽ nhập cảnh Việt Nam của người nước ngoài. Tăng cường hơn nữa hiệu lực hiệu quả, quản lý nhà nước đối với lĩnh vực công nghệ thông tin, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thực hiện quy định của Luật An ninh mạng, phát hiện xử lý nghiêm hành vi đưa tin giả, hành vi kích động bạo lực… Đồng thời, đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác giáo dục pháp luật cho nhân dân, nhất là giới trẻ và công tác phổ biến giáo dục pháp luật ở vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc thiểu số...
Mai Lan