Qua thảo luận, các đại biểu Quốc hội tán thành với nhiều nội dung báo cáo của Chính phủ, ghi nhận sự nỗ lực, quyết liệt, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành hoạt động của Chính phủ và cho rằng Chính phủ và lãnh đạo Chính phủ đã lan tỏa tinh thần mạnh mẽ, khơi dậy sức dân, sức mạnh nội tại, khả năng chống chịu, đồng sức đồng lòng trước những tác động tiêu cực. Thành quả lớn nhất mà Chính phủ đã đạt được là niềm tin của người dân.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đề nghị trong các báo cáo hàng năm của Chính phủ cần chỉ rõ những tồn tại, hạn chế của các bộ ngành, địa phương. Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, việc làm rõ, chỉ rõ những tồn tại, hạn chế trong từng nội dung lĩnh vực, việc thiếu trách nhiệm để xảy ra sai sót gây tốn kém nguồn lực cần phải được quan tâm và xử lý với tinh thần thẳng thắn và quyết liệt.
Các đại biểu đề nghị phân tích kỹ hơn những khó khăn của thị trường lao động, người lao động, có chính sách hỗ trợ người lao động, đặc biệt là chuyển đổi ngành nghề theo diễn biến dịch bệnh, thích ứng với cách mạng công nghiệp 4.0.
Nhiều đại biểu đề nghị bổ sung các chỉ tiêu, nhiệm vụ giải pháp phát triển kinh tế- xã hội như: đề nghị Chính phủ cân nhắc, nâng các chỉ tiêu về năng suất lao động, tỷ lệ che phủ rừng; đề nghị Quốc hội bổ sung một số chỉ tiêu về môi trường trong kế hoạch phát triển sắp tới, nhất là việc xử lý nước thải, chất thải rắn được thu gom xử lý chất thải trong các khu công nghiệp, khu chế xuất; tiếp tục có các giải pháp giảm thiểu thiệt hại của thiên tai. Trong hoạch định kế hoạch phát triển kinh tế -xã hội cần lồng ghép nội dung phòng chống thiên tai; lập bản đồ cảnh báo thiên tai, bố trí lại dân cư… để bảo đảm an toàn tính mạng và sản xuất cho người dân.
Một trong những nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm trong phiên thảo luận, đó là vấn đề về phát triển giáo dục -đào tạo. Một số đại biểu cho rằng bộ sách giáo khoa lớp 1 đã mắc các lỗi cơ bản về nguyên tắc biên soạn, về bản quyền, về ngữ điệu, do đó đề nghị Bộ Giáo dục và đào tạo nhìn thẳng sự thật để sớm có giải pháp khắc phục.
Bên cạnh đó, một số đại biểu cũng chỉ ra những hạn chế của ngành giáo dục, đó là: đội ngũ nhà giáo còn nhiều khó khăn, bất cập. Tình trạng thừa, thiếu giáo viên mầm non, phổ thông ở nhiều địa phương vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, chất lượng chưa đồng đều. Một bộ phận giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục chưa có ý thức giữ gìn đạo đức, phẩm chất và danh dự nhà giáo.
Cơ sở vật chất trường lớp còn thiếu, đã xuống cấp, nhất là khu vực miền núi, vùng đặc biệt khó khăn. Việc giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh chưa được chú trọng đúng mức, chưa có giải pháp hữu hiệu. Việc phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội còn thiếu chặt chẽ dẫn đến một bộ phận học sinh, sinh viên có những biểu hiện sa sút về đạo đức, lối sống, thiếu ý thức, lười lao động, thích hưởng thụ...
Từ những bất cập trên, đại biểu Quốc hội đề nghị ngành giáo dục các địa phương cần quy hoạch rà soát, sắp xếp lại mạng lưới các cơ sở giáo dục, nhất là việc sắp xếp, sáp nhập các điểm trường lẻ, trường tiểu học, trung học cơ sở.
Trong ngày, nhiều đại biểu cũng tập trung thảo luận về việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững; các chương trình đầu tư cho khu vực dân tộc thiểu số, miền núi, vùng đặc biệt khó khăn; đánh giá tác động của các công trình thủy điện nhỏ và vừa đến môi trường và đời sống người dân, vấn đề ô nhiễm nguồn nước và một số vấn đề về bố trí ngân sách đầu tư trong giai đoạn tới...
Mai Lan