Thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Bộ luật Tố tụng Hình sự (sửa đổi), một vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm đó là quy định về việc ghi âm, ghi hình trong quá trình hỏi cung bị can.
Các đại biểu cơ bản đồng tình với dự thảo về việc thiết kế quy định ghi âm, ghi hình trong hoạt động hỏi cung bị can là cần thiết, nhằm phục vụ cho yêu cầu điều tra và hạn chế tối đa trường hợp vi phạm, nhất là việc bức cung, nhục hình xảy ra trong thời gian vừa qua, đồng thời bảo vệ người hỏi cung, tránh vu cáo của bị can, bị cáo.
Tuy nhiên, các đại biểu cho rằng dự thảo quy định theo hướng mọi trường hợp hỏi cung bị can tại nơi giam giữ hoặc tại trụ sở cơ quan điều tra đều phải ghi âm, ghi hình là không cần thiết và không đảm bảo tính khả thi. Vì hiện tại, cơ sở giam giữ chỉ tính riêng của lực lượng công an được bố trí từ cấp huyện đến cấp tỉnh và Bộ Công an chưa thể đáp ứng.
Hàng năm, cơ quan điều tra phải thụ lý khoảng 100 nghìn vụ án hình sự với khoảng 150.000 -160.000 bị can, nếu thực hiện đúng quy định như dự thảo Bộ luật Tố tụng Hình sự thì khoản kinh phí trang bị lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng, đó là chưa kể phải đầu tư kinh phí để sửa chữa, nâng cấp, xây mới cơ sở vật chất cho việc lắp ráp thiết bị phục vụ cho công tác ghi âm, ghi hình xây dựng kho tàng, tàng thư, quản lý, bảo quản đĩa băng ghi âm ghi hình chuẩn bị đội ngũ cán bộ kỹ thuật làm nhiệm vụ cho việc sử dụng, quản lý, khai thác ghi âm, ghi hình.
Các đại biểu đặt giả thiết: Với tình hình ngân sách khó khăn như hiện nay chúng ta phải đầu tư từ biên chế, dụng cụ từ cấp Trung ương đến cấp huyện thì liệu có đảm bảo ngân sách để thực hiện không?
Mặt khác, các đại biểu cũng cho rằng trong thời gian vừa qua xảy ra việc bức cung, nhục hình chủ yếu do năng lực, trình độ, phẩm chất, đạo đức của điều tra viên. Để hạn chế tình trạng này thì điều quan trọng vẫn là giáo dục phẩm chất đạo đức, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu và chúng ta không quá lệ thuộc vào ghi âm, ghi hình.
Do đó, để tránh lãng phí, phù hợp với điều kiện nước ta, các đại biểu đề nghị quy định việc hỏi cung bị can cần khoanh lại các nhóm tội như nhóm tội đặc biệt nghiêm trọng, nhóm tội về an ninh quốc gia, những vụ có đơn thư khiếu kiện và theo yêu cầu của cơ quan tố tụng và bị can...
Trong ngày, nhiều đại biểu Quốc hội cũng đã phát biểu ý kiến thảo luận để Dự thảo Bộ luật Tố tụng Hình sự (sửa đổi) hoàn thiện.
Các ý kiến tập trung vào những nội dung: Về nguyên tắc "Suy đoán vô tội"; về bảo đảm quyền bất khả xâm phạm về thân thể của con người; việc mở rộng các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra; tranh tụng trong tố tụng hình sự; quyền của người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc nhận mình có tội; về tạo điều kiện bảo đảm hoạt động cho bào chữa; quyền và nghĩa vụ của người bào chữa khi tham gia tố tụng; trách nhiệm chi trả chi phí tố tụng; Về ủy quyền công tố và kiểm sát xét xử; trình tự xét hỏi tại phiên tòa; Người phiên dịch, người dịch thuật tại phiên tòa; giải quyết yêu cầu, đề nghị trước khi mở phiên tòa; việc ra bản án và các quyết định của Tòa án; về thủ tục đặc biệt xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; về điều kiện và thẩm quyền áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh; về thẩm quyền áp dụng, thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế...
Mai Lan