Góp ý vào dự thảo Luật an toàn thông tin mạng, nhiều đại biểu cho rằng Dự thảo Luật trình Quốc hội lần này cơ bản đã tiếp thu nhiều ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội ở kỳ họp trước.
Tuy nhiên, để nội dung Luật được hoàn thiện hơn cũng như phù hợp hơn với thực tế, một sốđại biểu đề nghị dự thảo Luật cần bổ sung quy định về thông tin riêng và bảo vệ thông tin riêng.
Mặc dù dự thảo lần này đãđặt ra nhiều quy định tương đối đầy đủ nhằm bảo vệ thông tin cá nhân, như quy định trước khi thu thập thông tin cá nhân phải xin phép ý kiến của người được thu thập....
Tuy nhiên các đại biểu cũng băn khoăn về một số điều khoản quy định trong dự thảo luật có tính khả thi không cao, khó để các cơ quan quản lý kiểm soát được. Việc tuân thủ các quy định chủ yếu phụ thuộc vào ý thức tự giác của các tổ chức, cá nhân.
Vì vậy đại biểu đề nghị trước mắt các cơ quan nhà nước cần có định kỳ và đột xuất tổ chức thanh tra, kiểm tra các tổ chức, các doanh nghiệp xử lý thông tin cá nhân. Cần thiết lập kênh thông tin trực tuyến để tiếp nhận, xử lý phản ánh của người dân về các vấn đề liên quan đến bảo vệ thông tin cá nhân.
Cũng trong phiên họp buổi sáng, Quốc hội nghe tờ trình, báo cáo thẩm tra các dự án luật tín ngưỡng, tôn giáo; Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế (sửa đổi).
Theo đó, Dự thảo Luật tín ngưỡng tôn giáo trình Quốc hội lần này gồm 11 chương, 11 mục và 68 điều, quy định về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; quyền và nghĩa vụ của người có tín ngưỡng, tín đồ tôn giáo, tổ chức tôn giáo, người nước ngoài cư trú tại Việt Nam có hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong việc tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.
So với Pháp lệnh tín ngưỡng, Dự án luật lần này có nhiều điểm tiến bộ như: có quy định mở rộng phạm vi chủ thể về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; đưa ra quy định về các hành vi bị cấm trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo; dành một chương riêng quy định cụ thể về sự tham gia của các tổ chức tôn giáo trong lĩnh vực y tế, giáo dục, dạy nghề, từ thiện, nhân đạo; quy định về sinh hoạt tôn giáo của người nước ngoài ở Việt Nam, đồng thời xây dựng chương quản lý nhà nước về tín ngưỡng tôn giáo...
Dự thảo Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế (sửa đổi) gồm 9 chương với 86 điều, giảm 21 điều so với 107 điều của Luật Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế năm 2005, trong đó giữ nguyên nội dung 10 điều, sửa đổi 73 điều (sửa đổi nội dung và sắp xếp lại thành 56 điều trong dự thảo), bỏ 28 điều và bổ sung 20 điều mới, thay đổi vị trí của một số điều cho phù hợp bố cục mới của dự thảo Luật.
Buổi chiều, Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh thảo luận ở tổ về: Dự án Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi) và Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế.
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình tham gia thảo luận ở tổ số 8 cùng Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh: Kiên Giang, Long An và Đắc Nông. Đồng chí Nguyễn Thị Thanh, UVDK T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình tham gia phiên thảo luận ở tổ.
Qua thảo luận ở tổ, các đại biểu cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế lần này có nhiều nội dung quan trọng, trong đó có việc Chính phủ đề nghị xóa nợ thuế đối với doanh nghiệp nhà nước để góp phần thúc đẩy thực hiện kế hoạch cổ phần hóa, giao, bán, khoán, sắp xếp lại.
Song, nhiều ý kiến tỏ ra lo ngại bởi việc quy định như Dự thảo luật sẽ dẫn đến trường hợp các doanh nghiệp hiện nay chưa đến thời điểm thực hiện cổ phần hóa cố tình chây ì, chậm nộp tiền thuế để tăng số nợ thuế lớn hơn số lỗ lũy kế của doanh nghiệp hoặc cố tình không kê khai số thuế nợ trong giá trị của doanh nghiệp để được hưởng chính sách xóa nợ thuế của Nhà nước. Do vậy, các đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nên xem xét lại điều khoản này...
Mai Lan