Luật Thống kê được Quốc hội thông qua ngày 17/6/2003 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2004. Sau hơn 10 năm thực hiện, Luật Thống kê và các văn bản hướng dẫn thi hành đã có những tác động tích cực đối với công tác thống kê; tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động thống kê; khẳng định vai trò quan trọng của công tác thống kê, địa vị pháp lý của cơ quan thống kê, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về công tác thống kê.
Nhờ vậy, thông tin thống kê đã góp phần giúp Đảng, Quốc hội và Chính phủ hoạch định và điều hành chính sách vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế-xã hội và giải quyết nhiều vấn đề đặt ra trong đời sống kinh tế-xã hội đất nước.
Tuy nhiên, Luật Thống kê 2003 cũng đã bộc lộ những bất cập so với yêu cầu ngày càng cao của công tác phân tích, hoạch định và điều hành chính sách trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước.
Điều này đòi hỏi cần sớm sửa đổi Luật để giải quyết những tồn tại vướng mắc trong hoạt động thống kê hiện nay, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác thống kê trong tiến trình đổi mới, góp phần thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội.
Dự thảo Luật Thống kê (sửa đổi) bao gồm 8 chương, 57 điều (tăng 15 điều so với luật cũ), trong đó giữ nguyên 6 điều, 26 điều mới, 25 điều sửa đổi và bổ sung cho phù hợp với thực tế, bãi bỏ 6 điều.
Thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Thống kê (sửa đổi), các đại biểu đã tập trung về các vấn đề như: quyền cung cấp thông tin thống kê; các vấn đề thống kê ngoài Nhà nước; vấn đề bảo đảm tính khách quan, minh bạch trong số liệu thống kê Nhà nước; kiểm soát chất lượng số liệu thống kê…
Các đại biểu đều cho rằng việc thống kê cần có sự chính xác cao để làm cơ sở cho việc phân tích và dự báo về tình hình kinh tế - xã hội. Bởi mục đích của hoạt động thống kê Nhà nước nhằm cung cấp thông tin, đáp ứng yêu cầu đánh giá, dự báo tình hình, hoạch định chiến lược, xây dựng kế hoạch, chính sách, quản lý, điều hành phát triển kinh tế - xã hội; Đáp ứng nhu cầu sử dụng thông tin thống kê của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Một số đại biểu cho rằng, số liệu thống kê phải minh bạch nên phải đảm bảo quyền tiếp cận thông tin của người dân. Người dân phải được quyền sử dụng thông tin thống kê của Nhà nước sau khi thông tin đã được công bố...
Một điểm mới tại dự thảo luật Thống kê (sửa đổi) là quy định hoạt động thống kê ngoài nhà nước. Thống kê ngoài nhà nước sẽ hoạt động dựa trên nguyên tắc và tiêu chuẩn cụ thể ghi trong luật và được thực hiện dịch vụ thống kê như thống kê nhà nước.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến đại biểu đề nghị không cho thống kê ngoài nhà nước thực hiện nghiệp vụ trong lĩnh vực chính trị, an ninh- quốc phòng và đây là loại hình kinh doanh có điều kiện, thực hiện đúng các quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư....
Buổi chiều, Quốc hội nghe Tờ trình, báo cáo thẩm tra dự án Luật báo chí (sửa đổi); sau đó các đại biểu thảo luận ở hội trường về đánh giá kết quả thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011-2015, xây dựng và đề xuất chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020.
Dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) gồm 6 chương với 60 điều, trong đó có 31 điều xây dựng mới, 29 điều sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Báo chí hiện hành.
Việc sửa đổi này nhằm cụ thể hóa tinh thần và nội dung của Hiến pháp 2013 về quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí; đồng thời khắc phục những hạn chế, bất cập trong thực tiễn thi hành Luật; tạo lập khung pháp lý phù hợp để sắp xếp, tổ chức lại hệ thống báo chí, tạo điều kiện cho báo chí phát triển lành mạnh, hiệu quả và đúng định hướng.
Điểm mới của dự thảo Luật so với Luật hiện hành là bổ sung thêm 1 chương quy định về quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí theo tinh thần Hiến pháp 2013; mở rộng và quy định cụ thể đối tượng được thành lập cơ quan báo chí; quan tâm đến kinh tế báo chí; thừa nhận và cụ thể hóa phạm vi, lĩnh vực và nội dung liên kết trong tất cả các loại hình báo chí; bổ sung một số quy định mới về tổ chức báo chí.
Mai Lan