Thảo luận tại hội trường về Dự án Luật Báo chí (sửa đổi), nhiều đại biểuđồng tình với sự cần thiết ban hành Luật Báo chí (sửa đổi) bởiLuật hiện hành đã bộc lộ nhiều bất cập, không phù hợp với thực tiễn, thiếu tính khả thi, đòi hỏi phải đổi mới để đáp ứng tình hình mới.
Việc sửa đổi Luật báo chí sẽ góp phần cụ thể hóa tinh thần và nội dung của Hiến pháp 2013 về quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí; khắc phục những hạn chế, bất cập trong thực tiễn thi hành Luật; tạo lập khung pháp lý phù hợp để sắp xếp, tổ chức lại hệ thống báo chí, tạo điều kiện cho báo chí phát triển lành mạnh, hiệu quả và đúng định hướng.
Thảo luận về xử lý vi phạm trong hoạt động báo chí, một số đại biểu cho rằng Dự thảo luật mới chỉ đề cập đến khía cạnh các cơ quan báo chí nếu sai phạm thì sẽ bị các hình thức xử lý theo luật định, nhưng vẫn chưa đề cập đến việc xử lý các tổ chức, cá nhân cản trở hoạt động báo chí hợp pháp.
Do đó, đề nghị cần bổ sung thêm nội dung tổ chức, cá nhân cản trở các hoạt động báo chí hợp pháp tùy mức độ vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Về chính sách phát triển báo chí, có đại biểu đề nghị dự thảo luật quy định ưu đãi ở mức cao nhất về thuế đối với các cơ quan báo chí làm cơ sở cho việc ban hành các chính sách về thuế GTGT, thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh thu từ báo chí.
Hiện nay chi phí sáng tạo các sản phẩm báo chí ngày một tăng trong khi nguồn thu từ báo in lại giảm mạnh và các báo điện tử thì phát hành miễn phí nhưng nguồn thu quảng cáo cũng không khả quan.
Vì vậy, cần đánh giá sâu sắc và toàn diện về cơ chế tài chính của các cơ quan báo chí để có những chính sách hỗ trợ rõ ràng, nhằm giúp các cơ quan báo chí có thể tiến tới tự chủ về mặt tài chính.
Liên quan đến quy định về họp báo, một số đại biểu bày tỏ chưa đồng tình với quy định khi họp báo, cơ quan, tổ chức, công dân phải thông báo trước 24 giờ. Bởi trong cuộc sống luôn có những sự kiện đột xuất, bất thường xảy ra như thiên tai, lũ lụt, hỏa hoạn, tai nạn… cần họp báo để kịp thời cung cấp thông tin cho công chúng. Do đó đại biểu đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu dự liệu thêm tình huống này để quy định cho một cách phù hợp thêm.
Cũng trong phiên thảo luận, một trong những vấn đề nhận được nhiều góp ý nhất, đó là quyền tự do báo chí. Để đảm bảo điều này, các đại biểu đề nghị, luật cần quy định các cơ quan tổ chức thực hiện nghiêm túc quy chế người phát ngôn cung cấp thông tin chủ động, kịp thời cho các cơ quan báo chí; đồng thời phải đảm bảo quyền tự do tiếp cận thông tin của nhà báo...
Về vấn đề quyền tác giả trong báo chí, các đại biểu cho rằng đây là vấn đề rất quan trọng, có tác dụng đánh giá, động viên, khuyến khích những người làm báo, từ đó phát huy được tài năng và sự cống hiến của các nhà báo.
Tuy nhiên, trước thực tiễn hoạt động báo chí hiện nay cho thấy việc thực hiện các quy định của pháp luật về quyền tác giả còn chưa nghiêm, chưa triệt để, mất quyền tác giả, quyền sở hữu trí tuệ, báo chí mất người đọc, mất luôn cả khả năng tăng doanh thu quảng cáo và các cơ hội kinh doanh khác. Đại biểu đề nghị bổ sung các quy định chi tiết và chặt chẽ về báo điện tử, về bảo vệ quyền tác giả.
Ngoài ra, các vị đại biểu Quốc hội đã đóng góp một số vấn đề khác như: về tên gọi; về phạm vi điều chỉnh của Luật báo chí; về quản lý Nhà nước trong hoạt động báo chí; về quyền của các loại hình báo chí; về các đối tượng được lập cơ quan báo chí; về Văn phòng đại diện, phóng viên thường trú; giấy phép trong hoạt động báo chí; về trách nhiệm lãnh đạo của các cơ quan, đặc biệt là người đứng đầu cơ quan báo chí, cơ quan chủ quản báo chí; về việc cấp, thu hồi thẻ nhà báo, thu hồi thẻ nhà báo; về vai trò, trách nhiệm của các cấp hội nhà báo...
Các đại biểu cũng yêu cầu Ban soạn thảo chỉnh sửa nội dung một số điều, bảo đảm sự thống nhất giữa luật này với Luật hành chính, Luật dân sự, Luật hình sự, Luật sở hữu trí tuệ và các luật khác trong hệ thống pháp luật Việt Nam.
Trước đó, với đa số phiếu tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết Chế định Thừa phát lại và Luật Quân nhân chuyên nghiệp và Công nhân, viên chức quốc phòng.
Theo Nghị quyết Chế định Thừa phát lại, từ ngày 1/1/2016 sẽ chấm dứt việc thí điểm chế định Thừa phát lại theo Nghị quyết số 24/2008/QH12 và Nghị quyết số 36/2012/QH12 của Quốc hội, cho thực hiện chế định Thừa phát lại trong phạm vi cả nước.
Luật quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng quy định thời hạn và hạn tuổi phục vụ tại ngũ của quân nhân chuyên nghiệp trong thời bình như sau: Phục vụ có thời hạn ít nhất là 6 năm, kể từ ngày quyết định chuyển thành quân nhân chuyên nghiệp.
Hạn tuổi phục vụ tại ngũ cao nhất của quân nhân chuyên nghiệp được thực hiện theo cấp bậc quân hàm, trong đó Cấp úy quân nhân chuyên nghiệp: nam 52 tuổi, nữ 52 tuổi; Thiếu tá, Trung tá quân nhân chuyên nghiệp: nam 54 tuổi, nữ 54 tuổi; Thượng tá quân nhân chuyên nghiệp: nam 56 tuổi, nữ 55 tuổi.
Buổi chiều, các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn Nghị định thư sửa đổi Hiệp định thành lập Tổ chức thương mại thế giới (WTO); Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự và thảo luận ở hội trường về dự án Luật về hội.
Mai Lan