Mở đầu phiên Họp, sau khi nghe Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội về dự thảo Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Quốc hội biểu quyết thông qua Điều 11, Điều 43, Điều 57 và toàn văn Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân.
Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân được Quốc hội thông qua gồm 10 chương và 91 điều, quy định về hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội; Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát, cơ quan, tổ chức và cá nhân khác có liên quan đến hoạt động giám sát.
Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2016.
Phiên họp buổi sáng, các đại biểu tiến hành thảo luận về tổng kết việc triển khai tiếp tục thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại theo Nghị quyết số 36/2012/QH13 ngày 23/11/2012 của Quốc hội và dự thảo Nghị quyết về thực hiện chế định Thừa phát lại.
Có 18 đại biểu Quốc hội phát biểu. Các ý kiến thảo luận tập trung vào những nội dung: Đánh giá kết quả thí điểm chế định Thừa phát lại; Phạm vi, thẩm quyền của Thừa phát lại; Hình thức, nội dung của Nghị quyết của Quốc hội về thực hiện chế định Thừa phát lại; Phạm vi hành nghề của Thừa phát lại; Hoạt động thi hành án của Thừa phát lại; Về đào tạo nghề Thừa phát lại, Thư ký nghiệp vụ Thừa phát lại; Chính sách ưu đãi đối với tổ chức hành nghề Thừa phát lại…
Trong ngày, các đại biểu đã Thảo luận về việc phê chuẩn Nghị định thư sửa đổi Hiệp định thành lập Tổ chức thương mại thế giới (WTO). Có 5 đại biểu Quốc hội phát biểu. Các ý kiến thảo luận tập trung vào những nội dung: Sự cần thiết phê chuẩn Nghị định thư sửa đổi Hiệp định thành lập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO); Trình tự, thủ tục, hồ sơ đề xuất phê chuẩn và thẩm quyền phê chuẩn; Việc triển khai chương trình hành động của Chính phủ trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế; Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến cho cán bộ, công chức, cộng đồng doanh nghiệp trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế…
Trong ngày, các đại biểu dành nhiều thời gian Thảo luận về dự án Luật tín ngưỡng, tôn giáo. Nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội phát biểu, tập trung vào những nội dung như: Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người; Quyền và nghĩa vụ của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc; Các hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo; Về lĩnh vực tín ngưỡng, hoạt động tín ngưỡng; Về công nhận tổ chức tôn giáo và pháp nhân tôn giáo; Hoạt động xã hội của tổ chức tôn giáo; Tài sản của cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc; Hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo có yếu tố nước ngoài; Quản lý nhà nước trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo…
Cũng trong ngày, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Điều 1, Điều 30, Điều 31 và toàn văn Luật kế toán (sửa đổi).
Mai Lan