Đồng chí Nguyễn Thị Thanh, UVDK T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình phát biểu trong phiên thảo luận ở tổ.
Cùng tham gia thảo luận ở tổ với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình còn có Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh: Kiên Giang, Long An và Đắc Nông.
Thảo luận ở tổ, nhiều đại biểu bày tỏ sự nhất trí với Báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2015 và kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2016.
Đồng chí Nguyễn Thị Thanh, UVDKT.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình cho rằng, trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới, khu vực có nhiều khó khăn đã tác động đến Việt Nam, song với nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, tình hình kinh tế - xã hội năm 2015 đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Nổi bật là ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và kiềm chế lạm phát. Tăng trưởng kinh tế được duy trì ở mức hợp lý và phục hồi khá cao, GDP năm 2015 ước đạt trên 6,5%, cao nhất trong 5 năm qua. Năm 2015 cũng là năm đầu tiên đạt 13/14 chỉ tiêu kế hoạch, trong đó có chỉ tiêu nhiều năm chưa đạt nhưng năm nay đã đạt được, đó là tỷ lệ giải quyết việc làm.
Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thị Thanh cũng băn khoăn về cơ sở để khẳng định chỉ tiêu này khi mà theo báo cáo của Chính phủ, trong năm 2015, nước ta có tới 54.566 doanh nghiệp giải thể, tương đương với số doanh nghiệp giải thể năm 2011 và 2012. Ngoài ra, đại biểu cũng bày tỏ băn khoăn về những nhận định của Chính phủ về tái cơ cấu nông nghiệp, về giới hạn nợ công trong mức an toàn...
Về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2016, đại biểu Nguyễn Thị Thanh đề nghị các bộ, ngành trung ương cần tập trung hướng dẫn kế hoạch phân bổ đầu tư công trung hạn để các địa phương chủ động trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Đồng thời đề nghị trong năm 2016, Quốc hội, Chính phủ cần ưu tiên dành nguồn lực cho chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, trong đó dành nguồn kinh phí đầu tư nhiều hơn cho việc tổ chức lại sản xuất và đầu tư cơ sở hạ tầng có liên quan đến tổ chức sản xuất, nhằm giảm sự đóng góp cũng như những khó khăn cho người nông dân...
Tham gia thảo luận tại tổ, nhiều ý kiến cũng bày tỏ những băn khoăn về tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội có diễn biến phức tạp. Đặc biệt, xuất hiện nhiều biểu hiện xấu về văn hóa, đạo đức, lối sống, gây bức xúc trong nhân dân.
Đại biểu Bùi Văn Phương, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình cho rằng, trong thời gian qua, chúng ta đã triển khai nhiều biện pháp đấu tranh, ngăn ngừa các loại tội phạm, nhất là những nỗ lực của lực lượng công an khi khám phá nhanh nhiều vụ án nghiêm trọng, đem lại niềm tin cho nhân dân.
Tuy nhiên, tình hình tội tạm xã hội vẫn diễn biến phức tạp, báo động là sự giảm sút về đạo đức của một bộ phận thanh thiếu niên và cần phải tiếp tục có nhiều giải pháp ngăn chặn, trong đó yếu tố giáo dục gia đình cần phải được đề cao.
Đại biểu cũng bày tỏ những băn khoăn về việc đổi mới giáo dục hiện vẫn chưa thực sự đem lại hiệu quả, gây lo lắng cho phụ huynh, học sinh, giáo viên; tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp còn chậm và việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng còn nhiều yếu tố bất cập.
Vì vậy, đại biểu đề nghị trong năm 2016, Chính phủ cần tập trung đẩy mạnh tiến trình cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước cũng như ưu tiên tập trung tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Cũng trong phiên thảo luận ở tổ, các đại biểu đã đóng ý kiến vào dự toán ngân sách nhà nước (bao gồm việc cho phép đa dạng hóa kỳ hạn phát hành trái phiếu Chính phủ, việc phát hành trái phiếu Chính phủ ra thị trường vốn quốc tế) và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2016; Đánh giá kết quả thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011-2015, xây dựng và đề xuất chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020; Phương án sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ còn dư của các dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên...
Mai Lan