Qua thảo luận, đa số ý kiến nhất trí với sự cần thiết ban hành nghị quyết, cho đây là những chính sách rất cần thiết, đáp ứng yêu cầu của tình hình trước những tác động hết sức nặng nề đối với nền kinh tế do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
Nhiều đại biểu cho rằng, chính sách miễn, giảm thuế được trình trong dự thảo nghị quyết là phù hợp, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp, kích thích phát triển kinh tế, giúp doanh nghiệp sớm quay trở lại trạng thái bình thường mới. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đóng góp nhiều giải pháp để triển khai thực hiện nghị quyết có hiệu quả.
Tham gia thảo luận tại điểm cầu Ninh Bình, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh, Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình cho rằng các giải pháp đề ra trong nghị quyết đã thể hiện tính tổng thể, sự phối hợp đồng bộ giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa với quy mô đủ lớn, đủ rộng, thiết thực; cơ bản phù hợp với khả năng huy động nguồn lực và khả năng hấp thụ của nền kinh tế, bám sát mục tiêu, định hướng đề ra, tác động cả phía cung và phía cầu; các gói hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, xác định rõ đối tượng cần hỗ trợ, có địa chỉ, dự án cụ thể tránh lãng phí nguồn lực.
Đối với vấn đề bội chi ngân sách, theo đại biểu: việc chấp nhận tăng bội chi ngân sách khoảng 1% đến 1,2% GDP trong 2 năm thực hiện chương trình là cần thiết. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị, Chính phủ cần rà soát, đánh giá kỹ lại tác động của các gói hỗ trợ, khoản nào có tác động nhỏ đến đối tượng thụ hưởng, không tạo được động lực mạnh cho tăng trưởng, hoặc ít tác động đến sự ổn định đời sống người lao động thì có thể cân nhắc để cắt giảm, nhằm giảm gánh nặng cho ngân sách.
Để các chính sách hỗ trợ sau khi ban hành được triển khai thực hiện hiệu quả, thiết thực, quản trị được rủi ro, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh đưa ra kiến nghị: Chính phủ cần chủ động xây dựng kịch bản và các giải pháp cụ thể phù hợp để ứng phó linh hoạt trong trường hợp nếu xảy ra lạm phát.
Các điều kiện, thủ tục trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội phải đảm bảo không có rào cản; cần thực hiện ngay các cải cách thể chế có liên quan như: cải cách các thủ tục gia nhập và rút lui thị trường nhằm tạo thuận lợi nhất, nhanh nhất cho doanh nghiệp; giảm thiểu tối đa thủ tục hành chính không phù hợp, không cần thiết trong tiếp cận và phân bổ nguồn lực hỗ trợ; thực thi mạnh mẽ chính sách cạnh tranh nhằm sàng lọc, phát hiện doanh nghiệp có khả năng phục hồi và phát triển.
Đồng thời trong tổ chức thực hiện Chương trình cần ứng dụng triệt để khoa học, công nghệ để đảm bảo sự bình đẳng, công bằng. Sau khi các chính sách được ban hành, các ngành các cấp cần chủ động thực hiện ngay và có hiệu quả để đảm bảo sự hỗ trợ kịp thời đối với người dân và doanh nghiệp; đồng thời cần tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát để không xảy ra tiêu cực, trục lợi chính sách hoặc thiếu sự minh bạch trong tổ chức thực hiện.
Buổi chiều, Quốc hội tiếp tục thảo luận trực tuyến về dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ.
Mai Lan