Xuất phát từ yêu cầu cấp thiết của thực tiễn, căn cứ quy định của Hiến pháp, Luật Tổ chức Quốc hội, Nghị quyết kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV và trên cơ sở đề nghị của Chính phủ, sau khi xem xét thận trọng, kỹ lưỡng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định triệu tập kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV nhằm kịp thời xem xét, quyết định một số vấn đề lớn, quan trọng, cấp bách về kinh tế, xã hội, tài chính, ngân sách để hỗ trợ cho Chương trình phòng, chống dịch COVID-19 và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Theo đó, tại Kỳ họp này, Quốc hội đã xem xét, thông qua 1 Luật, 4 Nghị quyết với sự thống nhất cao. Trong đó, Quốc hội đã xem xét, thông qua Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Nghị quyết đưa ra các chính sách hỗ trợ với thời gian thực hiện chủ yếu trong 2 năm 2022 và 2023 với lộ trình thích hợp.
Đây là gói hỗ hỗ trợ phục hồi kinh tế lớn nhất từ trước tới nay với khoảng 350.000 tỷ đồng để phục hồi, phát triển kinh tế nhằm đảm bảo tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2021 - 2025 đạt 6,5-7%; lạm phát dưới 4%, ổn định vĩ mô và các cân đối lớn nền kinh tế.
Có thể nói, Nghị quyết được ban hành đã bám sát chủ trương, định hướng của Đảng, các nghị quyết của Quốc hội, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để chủ động trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, khắc phục những thiệt hại, phục hồi thị trường lao động, giải quyết các vấn đề an sinh xã hội, hỗ trợ nền kinh tế sớm vượt qua khó khăn, phục hồi và phát triển bền vững, thích ứng linh hoạt với trạng thái bình thường mới và bắt kịp với xu thế phát triển của thế giới.
Tại kỳ họp, Quốc hội cũng đã thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025. Nghị quyết được thông qua có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước trong trung và dài hạn, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, có tác dụng lan tỏa, liên kết vùng, kết nối các tỉnh, thành phố, vùng kinh tế trọng điểm, bảo đảm quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống của nhân dân, giúp giảm chi phí, tăng khả năng cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng.
Dự án đầu tư khoảng 729 km, chia thành 12 dự án thành phần vận hành độc lập theo hình thức đầu tư công. Tổng mức đầu tư của Dự án trên 146.900 tỷ đồng. Việc sớm triển khai thực hiện dự án trong bối cảnh hiện nay có ý nghĩa thiết thực, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, góp phần phục hồi và tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy liên kết vùng, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Quốc hội cũng đã thông qua Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách và quy trình, thủ tục trong hoạt động đầu tư kinh doanh, quản trị doanh nghiệp, trong công tác thi hành án dân sự; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, thể chế hóa các văn kiện của Đảng và thực hiện các nghị quyết của Quốc hội.
Tại kỳ họp, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ. Theo đó, ngoài những nội dung chính sách áp dụng tương tự như một số thành phố trực thuộc Trung ương, Quốc hội quyết định thí điểm thêm 2 chính sách đặc thù, quan trọng khác về thu hút đầu tư để xã hội hóa việc nạo vét cửa Định An đến các cảng của thành phố Cần Thơ;
Ưu đãi đối với các dự án đầu tư vào Trung tâm liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản nhằm thu hút nguồn lực từ mọi thành phần kinh tế, tạo ra các động lực tăng trưởng mới, tăng tính kết nối tiêu thụ và gia tăng giá trị sản phẩm, đẩy mạnh dịch vụ logistic, tăng tính cạnh tranh, thu hút lao động, ứng dụng khoa học, công nghệ, để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội thành phố Cần Thơ.
Quốc hội cũng đã xem xét, thông qua Nghị quyết Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV để thể chế hóa Kết luận của Bộ Chính trị về Chương trình phòng, chống dịch COVID-19 (2022-2023) và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội...
Với tinh thần trách nhiệm của người đại biểu dân cử, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình cũng đã có nhiều đóng góp quan trọng cho sự thành công của kỳ họp.
Tham gia tại kỳ họp, các đại biểu trong Đoàn ĐBQH tỉnh đã tập trung nghiên cứu, tích cực phát biểu ý kiến và nêu cao tinh thần trách nhiệm, đóng góp trí tuệ trong việc xem xét, thông qua dự án, Nghị quyết. Tại kỳ họp, các vị đại biểu Quốc hội trong Đoàn đã tham gia đầy đủ, trách nhiệm các phiên họp của Quốc hội, với tinh thần trách nhiệm cao trước nhân dân cả nước nói chung và nhân dân tỉnh Ninh Bình nói riêng, các vị ĐBQH đã tập trung trí tuệ, tâm huyết và tích cực tham gia phát biểu về các nội dung của kỳ họp, truyền tải ý kiến, kiến nghị tâm huyết của cử tri tỉnh Ninh Bình đến Quốc hội; đóng góp nhiều ý kiến quan trọng với Quốc hội và Chính phủ trong việc xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, cũng như trong công tác xây dựng pháp luật.
Các vị đại biểu Quốc hội tỉnh đã nghiên cứu, chuẩn bị 11 lượt ý kiến phát biểu tham gia thảo luận góp ý vào các dự án luật, nghị quyết (trong đó có 10 lượt đại biểu phát biểu ý kiến tại tổ; có 1 lượt đại biểu phát biểu ý kiến tại hội trường).
Kỳ họp bất thường lần thứ nhất đã khép lại với nhiều dấu ấn quan trọng trong cử tri cả nước nói chung và cử tri Ninh Bình nói riêng.
Ông Vũ Tiến Dũng, cử tri xã Yên Mỹ (Yên Mô) bày tỏ tin tưởng: Qua theo dõi kỳ họp trên các phương tiện thông tin đại chúng, tôi nhận thấy các vị đại biểu Quốc hội đã phát huy dân chủ, tập trung nghiên cứu, thảo luận sôi nổi, hiến kế và đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, sâu sắc để đề ra những quyết sách quan trọng. Tôi tin tưởng và kỳ vọng các Nghị quyết của kỳ họp sẽ sớm được Chính phủ, các bộ, ngành, các địa phương triển khai một cách đồng bộ, hiệu quả, góp phần quan trọng ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh, nâng cao đời sống nhân dân.
Có thể nói, những quyết sách được thông qua tại Kỳ họp bất thường lần này đã đáp ứng đúng, trúng yêu cầu, đòi hỏi cấp bách của đất nước hiện nay khi chúng ta đang phải dồn mọi nguồn lực để thúc đẩy nhanh hơn nữa tiến trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Việc tổ chức kỳ họp bất thường đã khẳng định tinh thần quyết tâm của Quốc hội, luôn đồng hành cùng cả hệ thống chính trị đưa đất nước vượt qua khó khăn, thách thức. Và đúng như lời Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên bế mạc: Với việc tổ chức thành công Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, chúng ta có bài học quý để những kỳ họp "bất thường" trở thành hoạt động "bình thường" của Quốc hội nhằm đáp ứng kịp thời đòi hỏi cấp bách của thực tiễn.
Mai Lan - Minh Quang