Kỳ 1: Tư duy mạnh mẽ
Kỳ 2: Sức bật cho ngành thủy sản
Ky 3: Những con số ấn tượng
Còn nhiều vấn đề cần quan tâm giải quyết
Công ty cổ phần chế biến nông sản Việt Xanh đầu tư, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, chế biến nông sản khoảng chục năm nay. Sản phẩm chủ lực của đơn vị là dứa, xoài, đu đủ, dưa chuột bao tử, ngô ngọt đóng hộp, ngoài ra còn có cà chua, tương ớt. Mỗi năm Việt Xanh xuất khẩu nông sản sang các thị trường Nga, Đông Âu hàng nghìn công-ten-nơ sản phẩm với giá trị lên tới 3 triệu USD, điều này đồng nghĩa với nhu cầu rất lớn về nguồn nông sản phục vụ chế biến. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, Việt Xanh vẫn đang loay hoay, chưa thể "đặt hàng" với HTX hoặc đơn vị nào để có được nguồn nguyên liệu ổn định. Ông Nguyễn Trương Nghĩa, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Chế biến nông sản Việt Xanh chia sẻ: Nguyên liệu chính là vấn đề lớn nhất đối với các nhà máy chế biến nông sản hiện nay. Chúng tôi không thiếu thị trường chỉ thiếu nguồn nguyên liệu ổn định, chất lượng đảm bảo cho xuất khẩu. Công ty đã khảo sát thì thấy địa phương nào cũng có quỹ đất cho thuê nhưng diện tích không lớn, hạ tầng thiếu và yếu, do vậy rất khó khăn để đưa cơ giới hóa vào.
Nhìn chung, thực trạng sử dụng đất sản xuất nông nghiệp vẫn còn manh mún, phân tán, đang gây khó khăn cho việc tích tụ ruộng đất và xây dựng, phát triển mở rộng vùng sản xuất. Một số quy định về quản lý sử dụng đất trồng lúa chưa rõ ràng như việc chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả, chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa đã gây những khó khăn trong triển khai thực hiện.
Liên kết trong chuỗi giá trị, nhất là liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ thông qua hợp đồng tính ràng buộc chưa cao. Các HTX dịch vụ nông nghiệp đã chuyển đổi theo Luật HTX 2012 còn gặp nhiều khó khăn để nâng cao hoạt động sản xuất, kinh doanh vì vẫn con người cũ, phương thức sản xuất, kinh doanh cũ; thiếu vốn, năng lực quản lý, điều hành thấp…
Bên cạnh các vấn đề về đất đai, liên kết thì nguồn vốn đầu tư cho sản xuất nông nghiệp cũng là bài toán khó đối với các doanh nghiệp, HTX và người nông dân. Chính sách trên thực tế là có nhưng việc tiếp cận gặp nhiều trở ngại về thủ tục và đối tượng cho vay vì nông nghiệp vốn là một ngành sản xuất tiềm ẩn rất nhiều rủi ro.
Bà Lê Thị Dung, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư Công nghệ xanh (xã Khánh Cư, huyện Yên Khánh) cho biết: Từ năm 2000 bà bắt đầu tích tụ ruộng đất để sản xuất quy mô lớn, áp dụng Internet vạn vật (IOT) trong nghiên cứu, phát triển và xây dựng mô hình nông nghiệp thông minh, canh tác thủy canh, giá thể và trên đất trong môi trường nhà màng. Nhờ vậy, sản phẩm rau, quả của Công ty sản xuất ra đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, có thương hiệu, được dán tem truy xuất nguồn gốc, tiếp cận được các chuỗi cửa hàng nông sản an toàn. Hiện nay, doanh thu trên 1 ha canh tác của Công ty đạt trên 500 triệu đồng/năm.
Bà Dung cho biết thêm: áp dụng mô hình nông nghiệp công nghệ cao này giúp giảm công lao động, tiết kiệm nước, phân bón, bảo vệ môi trường, sản xuất không phụ thuộc vào thời tiết… Tuy nhiên chi phí cho sản xuất lớn, trong khi đó việc tiếp cận với nguồn vốn vay ngân hàng gặp rất nhiều khó khăn. Chính vì vậy, những dự định liên kết, mở rộng quy mô sản xuất, tăng cường chế biến sâu, chuyển đổi số… của Công ty vẫn chưa thành hiện thực.
Đúng như chia sẻ của bà Dung, hiện nay việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất trên địa bàn tỉnh vẫn gặp những rào cản do chi phí sản xuất lớn; quy trình sản xuất, vận hành cao, yêu cầu cán bộ kỹ thuật, người sản xuất phải có đủ kiến thức, trình độ kỹ thuật để tiếp cận và sử dụng công nghệ như sản xuất rau trong nhà kính, nhà lưới, hệ thống tưới nước tự động… Tuy nhiên, lực lượng này còn mỏng, cần có thời gian đào tạo, nâng cao.
Ngoài ra, còn rất nhiều khó khăn khác đang đặt ra đối với sự phát triển của ngành nông nghiệp như: Xuất phát điểm khu vực nông thôn thấp; công nghệ sản xuất, cơ sở hạ tầng chưa phù hợp với sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao. Lao động trong nông nghiệp giảm cả về số lượng và chất lượng do lực lượng lao động nông nghiệp trẻ, khỏe đi làm việc tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; nhiều địa phương người dân chỉ sản xuất nông nghiệp để lấy lương thực phục vụ nhu cầu tại chỗ. Trong khi đó, biến đổi khí hậu, thời tiết diễn biến phức tạp khó lường; dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi và thủy sản luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát cao ảnh hưởng đến đầu tư phát triển sản xuất; thị trường nông sản, giá vật tư nông nghiệp tăng cao làm tăng chi phí đầu vào, ảnh hưởng đến đầu tư thâm canh sản xuất hàng hóa quy mô lớn.
Cơ cấu lại theo 3 trục chính
Giai đoạn 2021-2030, mục tiêu mà tỉnh đặt ra cho ngành Nông nghiệp là ổn định tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân đạt 2,0%/năm; đến năm 2030 giá trị sản xuất nông nghiệp đạt trên 200 triệu đồng/ha đất canh tác. Đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa với sản phẩm có lợi thế, sản phẩm chủ lực của địa phương gắn kết thị trường tiêu thụ; xây dựng các chuỗi giá trị nông sản dựa trên cơ sở khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của địa phương; chú trọng ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, tập trung vào các lĩnh vực và sản phẩm đột phá, hiệu quả cao; sản phẩm đặc hữu, hữu cơ gắn với phục vụ du lịch; tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả các hình thức tổ chức sản xuất tiên tiến, bền vững.
Ông Vũ Nam Tiến, Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT cho biết: Tôi đánh giá, chỉ cần mấy năm nữa bức tranh của ngành Nông nghiệp Ninh Bình sẽ khác, hiện chúng ta đã định được hình hài, giờ là giai đoạn hoàn thiện, phát triển lên tầm cao mới. Để làm được điều này, ngành Nông nghiệp xác định cần tiếp tục cơ cấu lại nông nghiệp theo ba trục chính, gồm: cơ cấu theo nhóm sản phẩm chủ lực; cơ cấu theo các tiểu ngành, lĩnh vực; cơ cấu theo không gian phát triển gắn với mô hình tăng trưởng. Trong đó, trước hết là đẩy mạnh công tác đào tạo, tập huấn nhằm nâng cao trình độ, chuyên môn, kỹ thuật sản xuất; nâng cao năng lực quản lý điều hành của hợp tác xã, tổ hợp tác góp phần thực hiện việc chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, hướng đến nền nông nghiệp thông minh, hiện đại. Khuyến khích, hỗ trợ phát triển các hoạt động hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ, liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm và xúc tiến thương mại.
Nhằm khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của địa phương, tỉnh sẽ đẩy mạnh xúc tiến, thu hút đầu tư các dự án nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, sản xuất sản phẩm hữu cơ trên cơ sở vận dụng tối đa các cơ chế, chính sách để hỗ trợ cả về sản xuất và hạ tầng trong, ngoài vùng dự án. Tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp, trong đó nghiên cứu, vận dụng phù hợp chính sách ưu đãi, hỗ trợ về nguồn vốn tín dụng. Tập trung chỉ đạo tổ chức sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, nhằm tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng, bảo vệ sức khỏe con người và môi trường sinh thái, phục vụ du lịch; nâng cao tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là khâu gieo trồng, sơ chế, bảo quản, chế biến. Tiếp tục thực hiện chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang phát triển cây, con có giá trị kinh tế cao hơn theo kế hoạch được duyệt.
Quan tâm, khuyến khích phát triển kinh tế trang trại, gia trại theo hướng gắn kết với các hoạt động du lịch sinh thái, trải nghiệm nông nghiệp. Nâng cấp, cải tạo các công trình thủy lợi đáp ứng mục tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp và ứng phó với biến đổi khí hậu. Tổ chức lại sản xuất, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, hiệu quả gắn với quá trình chuyển đổi số, kinh tế số, phát triển mạnh mẽ, hợp lý, phù hợp hệ thống hợp tác xã, gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Hỗ trợ, phát triển các vùng, khu sản xuất hàng hóa, ứng dụng chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ giống với quy mô phù hợp, theo đơn vị hành chính và tiểu vùng sinh thái.
Phát triển Nông nghiệp theo hướng hiện đại, gia tăng giá trị sản xuất là mục tiêu chúng ta theo đuổi, nhất là trong bối cảnh ảnh hưởng nghiêm trọng do dịch bệnh COVID-19 hiện nay, nông nghiệp vẫn luôn khẳng định vai trò là "trụ đỡ" của nền kinh tế. Vì thế, "trụ đỡ" này cần phải được gia cố, bồi đắp, quan tâm đầu tư nhiều hơn nữa với những chính sách phát triển phù hợp, không chỉ cho ngắn hạn mà cả trong vài thập kỷ tới. Đặc biệt, quá trình tái cơ cấu nông nghiệp nếu được đặt trong tổng thể đổi mới của các ngành, lĩnh vực liên quan khác thì kết quả sẽ lớn hơn nhiều.
Nguyễn Lựu