Đoàn kết-ngọn nguồn sức mạnh
“Phải đoàn kết toàn dân, đoàn kết trong Đảng và ngoài Đảng, đoàn kết lương-giáo. Đoàn kết chặt chẽ để thi đua tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm, thi đua xây dựng Chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà…” là lời căn dặn sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi người về thăm Ninh Bình.
Thấm nhuần lời Bác dặn, tỉnh Ninh Bình đã đặc biệt coi trọng và không ngừng tăng cường đoàn kết thống nhất trong Đảng, đoàn kết giữa Đảng với Nhân dân để dân tin và đi theo Đảng; đoàn kết lương-giáo, đoàn kết quân-dân để tạo sự ổn định và phát triển.
Để xây dựng và củng cố đoàn kết trong Đảng, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tập trung xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; tăng cường sự đoàn kết, thống nhất trong nội bộ, thực hiện nghiêm túc các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ.
Công tác phát triển đảng viên, công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật Đảng được thực hiện nghiêm túc, góp phần giữ gìn sự trong sạch, vững mạnh của tổ chức đảng; qua đó năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, đảng viên ngày càng được nâng lên.
Nhằm tăng cường sự gắn kết giữa các tôn giáo và Nhân dân, Ninh Bình đã triển khai và nhân rộng nhiều phong trào, cuộc vận động, như: “Vận động đồng bào có đạo và Nhân dân thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội”, “Vận động chức sắc, chức việc các tôn giáo chung tay xây dựng những ngôi nhà ấm tình đoàn kết lương-giáo”; phong trào “Vì người nghèo-không để ai bị bỏ lại phía sau”; “Hiến giác mạc vì mục đích nhân đạo”…
Trong đó, mô hình “Vận động chức sắc, chức việc, nhà tu hành các tôn giáo chung tay xây dựng những ngôi nhà ấm tình đoàn kết lương-giáo” là mô hình tiêu biểu trong toàn quốc. Thực hiện mô hình, từ năm 2018 đến nay, các chức sắc, chức việc và tín đồ các tôn giáo trên địa bàn tỉnh đã đóng góp gần 10 tỷ đồng để xây mới gần 200 ngôi nhà “ấm tình đoàn kết lương-giáo” cho hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh.
Đặc biệt, phong trào hiến mô, tạng đã trở thành một biểu tượng đẹp về sự đoàn kết, nhân ái, thể hiện rõ tinh thần “tương thân, tương ái” của người dân Ninh Bình. Từ ca hiến tặng giác mạc đầu tiên ở xã Cồn Thoi (năm 2007), đến nay toàn tỉnh có trên 15.000 người đăng ký hiến mô, tạng, trong đó có 483 người đã hiến (chủ yếu là người theo tôn giáo), Ninh Bình là địa phương dẫn đầu cả nước về phong trào hiến mô, tạng.
Đánh giá về vai trò tập hợp, đoàn kết các tầng lớp nhân dân ở Ninh Bình, trong bài phát biểu tại Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam tỉnh Ninh Bình lần thứ XII, đồng chí Đỗ Văn Chiến, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã khẳng định: Ninh Bình đã gắn kết, tạo được mối quan hệ tốt đẹp giữa các chức sắc, chức việc và đồng bào Công giáo với đồng bào Phật giáo và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, đây là điển hình cần nhân rộng trong toàn quốc.
Tinh thần đoàn kết đã thực sự thấm sâu, lan toả khắp các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh. Tại huyện Kim Sơn, nơi có đông đồng bào Công giáo (chiếm trên 47% dân số), tinh thần đoàn kết lương-giáo không chỉ là khẩu hiệu mà đã trở thành hiện thực sinh động trong đời sống.
Đồng chí Bùi Thị Thuý, Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Kim Sơn chia sẻ: Những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi về thăm Giám mục Lê Hữu Từ và đồng bào thị trấn Phát Diệm (ngày 13/1/1946) về tinh thần đoàn kết lương-giáo vẫn luôn là kim chỉ nam cho mọi hoạt động của Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân huyện Kim Sơn. Điều này được thể hiện rõ nét qua các hoạt động chung sức vì cuộc sống cộng đồng.
Chỉ tính riêng trong 5 năm (2019-2024), nhân dân trong huyện đã đóng góp công sức, trí tuệ, hiến trên 89 ha đất để xây dựng nông thôn mới; toàn huyện đã vận động trên 7 tỷ đồng ủng hộ Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa và an sinh xã hội”; có 13 hộ nghèo được hỗ trợ xây nhà “ấm tình đoàn kết lương-giáo”. Những con đường bê tông, những ngôi nhà tình nghĩa được xây dựng ở khắp các miền quê Kim Sơn không chỉ là kết quả của sự nỗ lực của các cấp, ngành, địa phương mà còn là minh chứng sinh động cho tình đoàn kết gắn bó giữa các tôn giáo.
Tinh thần đoàn kết ở Ninh Bình còn được thể hiện rõ nét trong mối quan hệ giữa Đảng, Chính quyền với Nhân dân trong tỉnh. Nổi bật là đã phát huy cao độ tinh thần đoàn kết, kiên cường chiến đấu, chiến thắng đại dịch COVID-19, bảo vệ tính mạng, tài sản của Nhân dân, hạn chế thấp nhất thiệt hại do dịch bệnh gây ra. Kết quả này cũng trở thành động lực to lớn, giúp Ninh Bình sớm kiểm soát được dịch bệnh và phục hồi kinh tế-xã hội.
Lời dạy của Bác Hồ về đoàn kết vẫn luôn là ngọn hải đăng soi sáng cho hành trình của Ninh Bình. Đoàn kết toàn dân, đoàn kết trong Đảng, đoàn kết ngoài Đảng, đoàn kết lương-giáo đã trở thành truyền thống quý báu, là ngọn nguồn sức mạnh để Ninh Bình từng bước vươn lên mạnh mẽ. Niềm tin của các tầng lớp nhân dân đối với sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, điều hành, quản lý của chính quyền được nâng lên, từ đó đã phát huy được nguồn lực nội sinh, sức sáng tạo của Nhân dân trong phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.
Lấy dân làm gốc-khơi dậy sức mạnh nội sinh
5 lần về thăm Ninh Bình, Bác Hồ không quên căn dặn tổ chức đảng các cấp cần quan tâm chăm lo cho dân, phải lấy dân làm gốc. Trong bản Di chúc, Bác viết: “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”. Những lời căn dặn tâm huyết ấy vừa xuất phát từ thực tiễn nơi Bác đến thăm, vừa là sự kế thừa tư tưởng của các bậc tiền nhân: “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”.
Khắc ghi lời dạy của Người, tư tưởng lấy dân làm gốc luôn được Ninh Bình xác định là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện. Ninh Bình đã không ngừng đổi mới phương thức lãnh đạo, tập trung giải quyết những vấn đề thiết yếu của nhân dân. Trong mọi công việc, cấp uỷ, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh luôn quán triệt sâu sắc, thực hiện nghiêm túc quan điểm “dân là gốc”; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu.
Với phương châm tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, kiên trì thực hiện nguyên tắc “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, các cấp uỷ, chính quyền trong tỉnh đã làm tốt công tác dân vận, lấy sự đoàn kết, ủng hộ của nhân dân là thước đo trong từng việc làm cụ thể. Theo đó, những buổi gặp gỡ, đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các cấp, ngành, địa phương với cán bộ, nhân dân thường xuyên được tổ chức. Việc phân công cấp uỷ viên các cấp, thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể chính trị-xã hội cấp tỉnh, huyện về dự sinh hoạt với chi bộ khu dân cư được thực hiện nền nếp.
Bên cạnh đó, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo, thực hiện nghiêm túc việc tiếp công dân gắn với giải quyết khiếu nại, tố cáo. Trong đó đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quyết liệt trên tinh thần thượng tôn pháp luật và “lấy dân làm gốc” với mục tiêu không để khiếu kiện không có hồi kết và không để hình thành “điểm nóng”, góp phần giải quyết dứt điểm nhiều vụ việc phức tạp tồn đọng kéo dài, cũng như các vụ việc, mâu thuẫn mới phát sinh, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, công dân, qua đó hạn chế tái khiếu, tái tố.Ninh Bình là một trong những điểm sáng của toàn quốc trong tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; trung bình mỗi năm toàn tỉnh có trên 99% vụ việc khiếu nại thuộc thẩm quyền được quan tâm giải quyết.
Đặc biệt, thực hiện lời dạy của Bác Hồ cách đây 65 năm khi Người về động viên, khích lệ nhân dân xã Khánh Cư (Yên Khánh) chống hạn và sự chỉ đạo của Người tại hội nghị sản xuất vụ Đông-xuân năm 1959- 1960 của tỉnh: “Phải đi đúng đường lối quần chúng trong việc xây dựng và thực hiện kế hoạch, phải biến quyết tâm của Đảng, của Chính phủ thành quyết tâm của toàn thể cán bộ và quần chúng thì dù khó khăn mấy nhất định cũng khắc phục được”, Ninh Bình đã không ngừng đổi mới phương thức lãnh đạo phát triển nông nghiệp; lấy nông dân làm trung tâm trong quá trình phát triển.
Trong đó đã tập trung đầu tư hệ thống thủy lợi, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, xây dựng các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ. Đồng thời, khuyến khích nông dân tham gia vào quá trình hoạch định và thực hiện các chính sách, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và đời sống. Nhờ đó, nông nghiệp Ninh Bình và cư dân nông thôn của Ninh Bình ngày càng phát triển, từng bước xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.
Với phương châm “sự hài lòng của người dân là thước đo phục vụ”, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh đã đổi mới theo hướng tăng cường phân cấp, đề cao trách nhiệm của các cơ quan chuyên môn; triển khai thực hiện hiệu quả chủ trương xây dựng chính quyền năng động, hiệu quả; thực hiện chuyển đổi triệt để và thực chất phong cách làm việc từ “quản lý” sang “phục vụ”, lấy người dân và doanh nghiệp là trung tâm cho sự phát triển của tỉnh.
Năm 2023, Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) của Ninh Bình đạt 88,72%, xếp thứ 11/63 tỉnh, thành phố trong cả nước, Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) xếp thứ 14 toàn quốc; Chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương xếp thứ 16/63 tỉnh, thành phố trong cả nước; Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) xếp thứ 19/63 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Năm 2024, tròn 65 năm Bác Hồ về thăm Ninh Bình (1959-2024) và 55 năm Ninh Bình cùng với cả nước thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969-2024). Dịp này, trên khắp mảnh đất Cố đô dấy lên các phong trào thi đua chào mừng. Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ đã tổ chức Lễ tôn vinh điển hình tiên tiến học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Trong bài phát biểu tại lễ tôn vinh 65 gương điển hình tiên tiến làm theo lời Bác, đồng chí Bùi Mai Hoa, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ khẳng định: Hướng trọn niềm kính yêu và biết ơn vô hạn với Chủ tịch Hồ Chí Minh, khắc sâu tâm nguyện, những lời dạy của Người dành cho Ninh Bình qua 5 lần về thăm, những năm qua, Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân Ninh Bình đã phát huy sức mạnh đoàn kết, thi đua học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Các nội dung học tập và làm theo Bác đã được cụ thể hoá thành các tiêu chí rèn luyện đối với cán bộ, đảng viên; phương thức triển khai có nhiều đổi mới, sáng tạo thông qua thực hiện các chủ đề công tác, các đợt sinh hoạt chính trị toàn Đảng; các chuyên đề học tập hàng năm, qua đó tạo môi trường rèn luyện, thực hiện các nội dung đăng ký làm theo Bác. Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã thực sự thấm sâu trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của đời sống xã hội, nét văn hoá lắng đọng, bền vững và có sức truyền cảm mạnh mẽ.
Ninh Bình nguyện mãi mãi ghi nhớ công ơn của Bác, quyết tâm phấn đấu không ngừng để xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh, xứng đáng với niềm tin của Bác Hồ kính yêu.