Cùng đoàn cứu trợ của trường THCS Lê Hồng Phong (thành phố Ninh Bình) đến thăm, tặng quà cho một số người dân trên địa bàn xã Đức Long (Nho Quan) nhận thấy, những phần quà của đoàn không chỉ có ý nghĩa về vật chất giúp người dân vượt qua khó khăn trước mắt mà còn kịp thời động viên, chia sẻ để mỗi người dân không cảm thấy đơn độc trong cuộc chiến với thiên tai.
Bà Đinh Thị Thái, thôn Sơn Lũy 1, xã Đức Long chia sẻ: Mặc dù nhiều năm sống trong vùng thường xuyên xảy ra lũ lụt, nhưng năm nay là một năm mưa lũ bất ngờ và diễn biến bất thường. Gia đình tôi bị ngập sâu gần 2m, mọi sinh hoạt trong cuộc sống bị đảo lộn.
Mặc dù trước đó gia đình cũng đã chuẩn bị một số nhu yếu phẩm cần thiết để đảm bảo cuộc sống, nhưng rồi nước lên quá nhanh, nhiều đồ dùng, thiết bị phục vụ sinh hoạt bị ngập nước và hỏng. Rất may chúng tôi không đơn độc, những ngày diễn ra mưa lũ, chúng tôi được các lực lượng vũ trang trong huyện, trong tỉnh trợ giúp cứu lúa, di chuyển đàn vật nuôi, kê cao tài sản...
Nay sau mưa lũ lại được nhiều tổ chức, đoàn thể thăm hỏi, tặng quà bằng nước uống, mì tôm, sách vở, đồ dùng sinh hoạt… giúp người dân trong thôn không bị đói, rét, phần nào yên tâm tiếp tục chống chọi với ngập úng. Chỉ mong nước rút nhanh hơn để cuộc sống được trở lại bình thường.
Cô giáo Trịnh Thị Vân Khánh, Hiệu trưởng trường THCS Lê Hồng Phong (thành phố Ninh Bình) cho biết: Ngay sau khi nhận được thông tin mưa lũ gây ngập úng nhiều xã trên địa bàn huyện Nho Quan, Gia Viễn, Công đoàn nhà trường đã vận động cán bộ, giáo viên và kêu gọi phụ huynh học sinh, các nhà hảo tâm quen biết với nhà trường quyên góp, ủng hộ người dân vùng lũ.
Chỉ trong 1 ngày kêu gọi, trường đã quyên góp được trên 30 triệu đồng, kịp thời mua sắm trên 200 phần quà gồm 255 thùng mì tôm, gần 800 chai nước uống và các nhu yếu phẩm cần thiết khác tặng cho 100% hộ dân 2 thôn Sơn Lũy 1 và Sơn Lũy 2 - là 2 thôn cách xa trung tâm xã Đức Long hơn 2km, bị cô lập hoàn toàn do mưa lũ phải đi lại bằng thuyền, cuộc sống người dân đang gặp rất nhiều khó khăn.
Hiện nhà trường tiếp tục phát động, kêu gọi thêm phụ huynh học sinh và các nhà hảo tâm ủng hộ tiền và những phần quà ý nghĩa như sách vở, lương khô, nước sạch, rau xanh… để tiếp tục tặng quà cho một số thôn xa hơn trên địa bàn xã Đức Long.
Đối với người dân xã Gia Thịnh, đặc biệt là thôn Kênh Gà, đến ngày 16/10, mực nước tại thôn giảm không nhiều. Thôn vẫn bị cô lập trong nước với 100% các gia đình vẫn bị ngập trên 1m nước, tất cả mọi hoạt động, sinh hoạt của người dân phải thực hiện bằng thuyền.
Bà Nguyễn Thị Mậu, người dân thôn Kênh Gà cho biết: Những ngày vừa qua, do mưa lũ kéo dài gây ngập lụt nghiêm trọng, đời sống người dân chúng tôi gặp nhiều khó khăn nhưng chúng tôi không đơn độc.
Sự quan tâm, thăm hỏi của các cấp chính quyền, những phần quà ý nghĩa, cần thiết phục vụ cuộc sống của các tổ chức, cá nhân được chuyển đến, những người già, gia đình neo đơn được thăm hỏi, quan tâm, động viên và chuyển quà đến tận nhà làm ấm lòng người dân vùng lũ.
Việc các đoàn cứu trợ đến thăm hỏi, động viên và trao tặng tận tay người dân những món quà mà họ quyên góp được đã động viên chúng tôi nỗ lực vượt qua khó khăn, nhanh chóng ổn định cuộc sống.
Là địa phương có nhiều xã bị ảnh hưởng nặng do mưa lũ, ngay trong ngày 12/10 (là ngày diễn ra các trận mưa to và mưa dài), huyện Gia Viễn đã chỉ đạo các tổ chức, đoàn thể, đơn vị, lực lượng vũ trang nhanh chóng xuống địa bàn giúp đỡ nhân dân di dời, cứu giúp tài sản, vật nuôi cho người dân những địa bàn bị ngập úng nặng.
Cùng với đó, huyện kịp thời cấp phát trên 35 nghìn gói mì tôm cho trên 1.000 hộ dân thuộc các thôn bị ngập nặng, cô lập hoàn toàn trong nước như thôn Phong Tĩnh, xã Gia Phong; thôn Kênh Gà, xã Gia Thịnh; thôn Đồng Tiến, xã Gia Tiến…
Kết quả chỉ sau vài ngày xảy ra mưa lũ, hiện trên địa bàn huyện Gia Viễn đã có rất nhiều đoàn cứu trợ đến thăm hỏi, tặng quà cho người dân vùng ngập lụt.
Đồng chí Lưu Thị Huyền, Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Viễn cho biết, đến ngày 17/10, huyện đã tiếp nhận và phân phối hàng cứu trợ lũ lụt từ trên 20 đoàn của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh cho người dân những vùng bị ngập nặng, với tổng giá trị tiền mặt và hàng hóa trị giá gần 2 tỷ đồng, trong đó quà bằng tiền mặt trên 100 triệu đồng.
Cụ thể là, ngân sách huyện hỗ trợ gần 1.200 thùng mì tôm, ngân sách xã (xã Gia Tiến) 126 thùng mì tôm, 756 lít nước lọc và 124 lít dầu thắp.
Các tổ chức, cá nhân như Ngân hàng đầu tư và phát triển tỉnh Ninh Bình, Tỉnh đoàn Ninh Bình, Hiệp hội Doanh nghiệp trẻ Ninh Bình, Đoàn khối cơ quan tỉnh, Doanh nghiệp Xuân Khiêm, tổ chức thiện nguyện thành phố Ninh Bình, Công ty TNHH TIE Việt Nam (máy lọc nước), Công ty May Đài Loan, Mobiphon Ninh Bình… đã ủng hộ số tiền mặt hơn 100 triệu đồng, trên 4 nghìn gói mì tôm, trên 81 nghìn lít nước lọc, trên 10 tấn gạo, gần 1 tấn thịt lợn, gần 600 xuất cơm nắm, gần 300 chiếc áo nam - nữ, trên 1.200 quyển vở viết, 1.380 gói lương khô, trên 3 nghìn chiếc bánh mì, 48 hộp sữa, 3 máy lọc nước và nhiều mặt hàng nhu yếu phẩm cần thiết phục vụ đời sống khác như cơm cháy, nồi xoong, rau xanh, muối canh…
Hội Chữ thập đỏ và các cá nhân, doanh nghiệp có lòng hảo tâm tổ chức trao quà hỗ trợ người dân vùng lũ Gia Thủy (Nho Quan).
Trước tình trạng ngập úng của một số địa phương trên địa bàn huyện Gia Viễn và Nho Quan, ngành Y tế cũng đã chỉ đạo các đơn vị trong ngành, nhất là các vùng ngập úng tăng cường cơ số thuốc phòng chống dịch bệnh trước và trong mùa mưa lũ, đảm bảo sức khỏe và đời sống sinh hoạt cho người dân.
Theo đó, ngành Y tế chỉ đạo các bệnh viện đa khoa, trung tâm y tế huyện Nho Quan, Gia Viễn và các Trạm y tế trên địa bàn vùng ngập úng chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, dụng cụ, thuốc, vật tư, hóa chất cần thiết, đáp ứng yêu cầu cấp cứu người dân khi bị nạn và đảm bảo đời sống người dân sau mưa lũ.
Đến ngày 15/10, ngành Y tế đã cấp 62 cơ số thuốc, 13 cơ số y cụ, 1,100 kg CloraminB, 1.000kg phèn chua, 25 nghìn lọ thuốc nhỏ mắt Cloroxit 0,4%, 95 nghìn gói trị nước ăn chân… với tổng số tiền trên 700 triệu đồng, giúp người dân phòng một số bệnh trong mùa mưa lũ như: Đau mắt đỏ, nước ăn chân, viêm đường ruột, khử khuẩn nước, xử lý môi trường sống...
Đồng thời tích cực tuyên truyền, khuyến cáo người dân chủ động trong việc bảo vệ sức khỏe của bản thân, tránh dầm mình trong nước lạnh quá lâu, thực hiện ăn chín, uống sôi, đảm bảo vệ sinh; khi có dấu hiệu bất thường về sức khỏe cần đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám, điều trị.
Bài, ảnh: Hạnh Chi