Theo thông tin từ Cục Thuế tỉnh, những tháng đầu năm hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động, nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng thua lỗ, mất khả năng thanh toán, gây khó khăn cho việc thực hiện nghĩa vụ nộp ngân sách Nhà nước.
Bên cạnh đó, việc thực hiện Nghị định 41/2020/NĐ-CP của Chính phủ về "gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất" và nhiều dự án trên địa bàn tỉnh bị vướng mắc trong quá trình triển khai giải phóng mặt bằng cũng làm số nợ thuế tăng.
Tính đến 30/6, tổng số nợ thuế của toàn tỉnh ước trên 960 tỷ đồng, nếu trừ đi số tiền nợ đang xử lý và tiền nợ đang khiếu nại thì tổng số nợ thuế là 705 tỷ đồng, tăng 0,9% so với thời điểm ngày 31/12/2019.
Ông Nguyễn Gia Hoan, Trưởng Phòng Quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế cho biết: Xác định công tác quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế là một trong những thách thức của năm 2020 mà ngành cần vượt qua, ngành Thuế Ninh Bình đã triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp thu nợ và cưỡng chế thuế, nêu cao tinh thần trách nhiệm người đứng đầu.
Đồng thời, xử lý dứt điểm các khoản nợ chờ xử lý, chờ điều chỉnh, giải quyết kịp thời các vướng mắc cho người nộp thuế. Rà soát, phân tích và phân loại nợ thuế, từ đó triển khai đồng bộ các biện pháp đôn đốc, xử lý nợ. Đặc biệt cơ quan Thuế phân tích rõ đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, theo dõi sát số tiền thuế được gia hạn để đôn đốc kịp thời số tiền đã hết thời hạn gia hạn nộp thuế.
Để giảm áp lực về nợ thuế, ngành thực hiện đầy đủ, kịp thời Nghị quyết số 94/2019/QH14 của Quốc hội về khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách Nhà nước.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong tất cả các khâu của công tác quản lý nợ và cưỡng chế thuế. Công khai danh sách doanh nghiệp thuộc loại rủi ro cao về thuế thực hiện mua hóa đơn của cơ quan thuế phát hành, các doanh nghiệp chây ỳ không nộp tiền thuế đúng hạn lên các cơ quan thông tấn báo chí và trang tin điện tử của ngành.
Bên cạnh đó, cơ quan thuế các cấp tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thường xuyên nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh, quan tâm tháo gỡ khó khăn, cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người nộp thuế. Qua đó, giúp doanh nghiệp từng bước khắc phục khó khăn, ổn định sản xuất và hoàn thành tốt nghĩa vụ với ngân sách Nhà nước.
Do vậy công tác thu hồi nợ thuế năm 2020 đã đạt được kết quả tích cực. Cơ quan thuế đã thu hồi nợ được 696 tỷ đồng, trong đó thu bằng biện pháp quản lý nợ là 567 tỷ đồng, bằng biện pháp cưỡng chế nợ thuế là 129 tỷ đồng.
Tổng số tiền thuế nợ toàn ngành đến thời điểm 31/12/2020 không bao gồm tiền thuế nợ đang khiếu nại, nợ đang xử lý và nợ chờ điều chỉnh là 516 tỷ đồng, chiếm 2,8%/tổng số thực thu ngân sách Nhà nước năm 2020, giảm 16% so với thời điểm 31/12/2019.
Có 5/5 đơn vị hoàn thành vượt mức chỉ tiêu thu hồi nợ, xử lý nợ trong năm 2020, trong đó 3 đơn vị có tỷ lệ nợ đạt dưới 2%, đó là: Chi cục thuế Khu vực Nho Quan - Gia Viễn, Chi cục thuế Khu vực Kim Sơn - Yên Khánh và Văn phòng Cục Thuế tỉnh.
Ông Nguyễn Gia Hoan, Trưởng Phòng Quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế cho biết thêm: Mục tiêu đặt ra trong năm 2021 của ngành Thuế là tiếp tục phấn đấu giảm tỷ lệ nợ đọng đạt dưới 5% tổng số thu thuế; số tiền nợ tính đến 31/12/2021 giảm so với 31/12/2020, thu nợ đạt 80% số nợ có khả năng thu, xử lý dứt điểm các khoản nợ đang chờ điều chỉnh, các khoản nợ đang chờ xử lý, nợ không còn khả năng thu theo Nghị quyết 94 của Quốc hội.
Để đạt kết quả đó, ngành Thuế tiếp tục thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp đã thực hiện có hiệu quả trong năm 2020. Trong đó, tập trung giải quyết dứt điểm nợ đang xử lý, nợ khiếu nại; thực hiện tốt việc khoanh nợ, xóa nợ theo Nghị quyết 94, việc gia hạn cấp quyền khai thác khoáng sản đối với người nộp thuế vướng mắc do giải phóng mặt bằng thuê đất.
Đồng thời, xây dựng kế hoạch cụ thể, giao chỉ tiêu thu hồi nợ cho từng cán bộ phụ trách trực tiếp. Nâng cao tinh thần trách nhiệm, đôn đốc thu nộp kịp thời số thuế phát sinh trong các kỳ khai thuế tháng, quý, năm, hạn chế thấp nhất số nợ mới. Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong tất cả các khâu của thu hồi nợ, cưỡng chế nợ thuế, phân loại nợ đầy đủ, kịp thời theo tính chất từng khoản nợ.
Phối hợp hiệu quả với cơ quan Công an trao đổi thông tin, điều tra làm rõ các dấu hiệu vi phạm pháp luật thuế, xử lý nghiêm các doanh nghiệp cố tình chây ỳ, nợ thuế, chiếm đoạt tiền thuế.
Bài, ảnh: Hồng Giang