Song, đến thời điểm này có thể khẳng định, tỉnh Ninh Bình đã quán triệt, triển khai thực hiện "mục tiêu kép" và đạt được những kết quả quan trọng, tương đối toàn diện, vừa chủ động thực hiện các biện pháp kiểm soát, phòng, chống dịch COVID-19, vừa tiếp tục duy trì phát triển kinh tế- xã hội, chăm lo sức khỏe, đảm bảo việc làm, thu nhập, đời sống nhân dân trên địa bàn ổn định. Do kiểm soát tốt dịch COVID-19 nên kinh tế xã hội của tỉnh ta từ đầu năm đến nay có nhiều khởi sắc, một số chỉ tiêu vẫn tăng so với cùng kỳ năm trước.
Có được kết quả đó, trước hết là do Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành chủ động, quyết liệt, kịp thời thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, không để lây lan trong cộng đồng. Với quan điểm "đặt sức khỏe, tính mạng người dân lên trên hết" và "cách ly, xét nghiệm là then chốt, vắc-xin, thuốc điều trị là điều kiện tiên quyết", tỉnh đã tập trung các nguồn lực và huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19.
Kết quả là đến nay, tỉnh ta đã và đang kiểm soát tốt dịch, nhiều ngày qua, không có ca bệnh nào trong cộng đồng. Đánh giá cấp độ dịch theo Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ, tỉnh Ninh Bình đang ở cấp độ 1- nguy cơ thấp (bình thường mới) tương ứng với màu xanh. Hiện nay, tỉnh đang chỉ đạo ngành y tế khẩn trương hoàn thành việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho người dân sinh sống, làm việc trên địa bàn tỉnh, đảm bảo an toàn, hiệu quả đúng quy định. Đồng thời yêu cầu các cấp, các ngành và toàn dân Ninh Bình nêu cao tinh thần trách nhiệm, tuân thủ nghiêm các quy định để giữ vững thành quả phòng, chống dịch trong trạng thái bình thường mới. Dịch COVID-19 được kiểm soát tốt đã tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển và đạt được nhiều kết quả. Về kinh tế, giá trị sản xuất côngnghiệp 10 tháng qua tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước, (tăng thấp hơn so với những năm trước đây).
Nguyên nhân do dịch, một số ngành công nghiệp trọng điểm của tỉnh gặp khó khăn trong việc nhập khẩu và giá cả nguyên, vật liệu đầu vào tăng cao; thị trường tiêu thụ sản phẩm đầu ra bị thu hẹp. Doanh thu của một số doanh nghiệp giảm so với cùng kỳ năm trước, mặc dù sản lượng vẫn tăng nhưng giá bán sản phẩm thấp hoặc một số đơn vị không bán được hàng, số sản phẩm còn tồn kho lớn như: phân đạm 19,2 nghìn tấn; kính nổi 90,5 nghìn tấn; xi măng 7 nghìn tấn; camera và linh kiện điện tử 4,4 triệu cái, thép cán các loại 18,7 nghìn tấn... Sản xuất nông nghiệp cả 2 vụ lúa đều được mùa, năng suất và sản lượng tăng hơn so với năm 2020. Chăn nuôi bị ảnh hưởng bởi dịch tả lợn châu Phi, cúm gia cầm và đặc biệt là giá thịt lợn thời gian gần đây giảm, trong khi đó giá thức ăn gia súc lại tăng, gây khó cho người chăn nuôi. Sản xuất thủy sản tiếp tục phát triển, không có dịch bệnh xảy ra. Sản lượng thu hoạch 10 tháng qua đạt 53 nghìn tấn, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước.
Công tác xây dựng nông thôn mới được tập trung chỉ đạo, đến ngày 10/11, toàn tỉnh có 5/8 huyện, thành phố được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; có 109/119 xã (chiếm 91,6%) đã được công nhận đạt chuẩn NTM; có 1 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 9 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; có 165/1.355 thôn đạt chuẩn khu dân cư NTM kiểu mẫu. Hiện, ngành Nông nghiệp và PTNT đang trình UBND tỉnh công nhận thêm 5 xã NTM và 6 xã NTM kiểu mẫu. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh đạt kết quả tích cực, tổng thu ngân sách 10 tháng đạt 15.292 tỷ đồng, đạt 82,1% dự toán, tăng 1,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, thu nội địa (không bao gồm tiền sử dụng đất, xổ số kiến thiết) đạt 10.222 tỷ đồng, đạt 93,5% dự toán, tăng 41,3% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu 10 tháng đạt 2.378,8 triệu USD, tăng 4,5% so với cùng kỳ. Tổng vốn đầu tư phát triển thực hiện 10 tháng đạt 21.998,3 tỷ đồng, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm trước...
Bên cạnh các chỉ tiêu kinh tế tăng thì có duy nhất dịch vụ du lịch giảm, do các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh phải ngừng đón khách để đảm bảo phòng, chống dịch COVID-19. Tổng số lượt khách đến các điểm thăm quan 10 tháng qua đạt 925,7 nghìn lượt, giảm 58,4% so với cùng kỳ năm 2020. Doanh thu du lịch đạt gần 600,5 tỷ đồng, giảm 54,4% so với cùng kỳ.... Hy vọng sau khi triển khai thực hiện Kế hoạch 180/KH-UBND ngày 29/10/2021 của UBND tỉnh về "phục hồi và phát triển hoạt động du lịch những tháng cuối năm 2021 và năm 2022" thì số lượng khách và doanh thu từ du lịch sẽ tăng. Các lĩnh vực văn hóa- xã hội tiếp tục được quan tâm. Giáo dục đào tạo vẫn giữ được thành tích xếp thứ 3 toàn quốc về điểm trung bình chung các môn thi của kỳ thi THPT, năm học 2020-2021. Hiện nay, ngành tiếp tục duy trì việc dạy và học trực tiếp. Ngành y tế vừa triển khai nghiêm túc, quyết liệt nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19, vừa làm tốt công tác khám, chữa bệnh, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của nhân dân. Công tác quốc phòng, an ninh được củng cố và tăng cường. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được quan tâm...
Dự báo trong thời gian còn lại của năm 2021 và những tháng đầu năm 2022, dịch COVID-19 vẫn diễn biến hết sức phức tạp, nguy cơ có dịch lây nhiễm vào cộng đồng là rất cao. Do vậy, nhiệm vụ trọng tâm vẫn là tiếp tục tập trung cao cho công tác phòng, chống dịch COVID-19, đồng thời khẩn trương rà soát, đánh giá các chỉ tiêu phát triển kinh tế- xã hội năm 2021 để có những giải pháp cụ thể, phấn đấu hoàn thành và hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu đã đề ra. Tỉnh Ninh Bình đã có các chủ trương, kế hoạch để thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ ban hành quy định tạm thời "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19", nhất định tỉnh ta sẽ đạt được những kết quả và thành tích cao hơn trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội năm 2021, làm tiền đề cho năm 2022 và cả giai đoạn 2021-2025.
Nguyễn Đông