Giá trị sản xuất công nghiệp tháng 1 giảm 10,7%; tháng 2 giảm 1,6%; tháng 3 giảm 2,2% so với tháng trước đó. Kim ngạch xuất khẩu đạt thấp. Sức mua yếu, thu ngân sách đạt thấp... Thực hiện Nghị quyết số 30/2008/NQ-CP, ngày 11-12-2008 của Chính phủ, UBND tỉnh Ninh Bình đã ban hành Quyết định số 181/QĐ-UBND ngày 26-2-2009 chỉ đạo các sở, ngành; các cơ quan, đơn vị địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng, đảm bảo an sinh xã hội.
Ngành Ngân hàng thực hiện chính sách tiền tệ theo chủ trương chung của Chính phủ về: Kích cầu đầu tư và tiêu dùng; tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển; hỗ trợ lãi suất cho các tổ chức, cá nhân vay vốn sản xuất, kinh doanh. Đến hết tháng 4-2009, tổng dư nợ của các ngân hàng thương mại và quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn đạt 8.916 tỷ đồng, tăng 11,3% so với đầu năm và tăng 19,8% so với cùng kỳ, trong đó có: 6.162 tổ chức, cá nhân được vay vốn hỗ trợ lãi suất với tổng dư nợ đạt 1.849 tỷ đồng; số tiền lãi, các đơn vị đã hỗ trợ lãi suất là 6,7 tỷ đồng.
Mới đây, UBND tỉnh có Thông báo số 20/TB-UBND ngày 14-4-2009 về công tác xây dựng cơ bản. Các chủ đầu tư đã tích cực triển khai các dự án, hoàn tất thủ tục đầu tư và đôn đốc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án, công trình, nhất là công trình sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ. Nhờ sự chủ động và triển khai đồng bộ các giải pháp nên đến tháng 4 kinh tế Ninh Bình đã có những chuyển biến tích cực. Sản xuất công nghiệp nhanh chóng phục hồi và đạt mức tăng trưởng khá. Giá trị sản xuất công nghiệp tháng 4 đạt 642,9 tỷ đồng, tăng 48,8% so với cùng tháng năm trước. Tổng giá trị sản xuất công nghiệp 4 tháng đạt 2.134 tỷ đồng, tăng 16,8% so với cùng kỳ.
Thu ngân sách tháng 4 đạt 166,7 tỷ đồng và đến hết 4 tháng đạt 557 tỷ đồng, bằng 29,3% dự toán; trong đó có thu phí và lệ phí đạt 269,1 tỷ đồng, đạt 33,6% dự toán, tăng 36,5% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất, nhập khẩu tháng 4 đạt 3,7 triệu USD; lũy kế 4 tháng đạt 38,7 triệu USD, trong đó: Kim ngạch xuất khẩu đạt 9 triệu USD, giảm 9,5% so với cùng kỳ. Lượng khách du lịch đến Ninh Bình tăng mạnh. Trong tháng 4 đón 263,3 lượt khách, tăng 71,7% so với cùng kỳ. Doanh thu từ du lịch đạt 78,6 tỷ đồng, tăng 62,8% so với cùng kỳ năm trước. Các điểm du lịch thu hút nhiều khách tham quan là: Chùa Bái Đính, khu hang động Tràng An, khu Tam Cốc- Bích Động.
Về nông nghiệp: Toàn tỉnh gieo cấy trên 41.000 ha lúa xuân, tăng 370 ha so với vụ năm trước, trong đó có 14.000 ha cấy bằng giống lúa cao sản. Qua kiểm tra của các cơ quan chuyên môn: Lúa xuân sinh trưởng phát triển tốt, ít sâu bệnh có khả năng được mùa. Đã có gần 20.000 ha lúa trỗ bông, diện tích lúa ngoài đê thuộc Nho Quan, Gia Viễn có nơi đang thu hoạch. Sản lượng thủy sản đén hết tháng 4 đạt 5.900 tấn, bằng 24,9% kế hoạch năm, tăng 39,2% so với cùng kỳ.
Những kết quả trên cho thấy kinh tế của tỉnh Ninh Bình đang có những dấu hiệu phục hồi nhanh về sản xuất công nghiệp; nông nghiệp có khả năng được mùa; lượng khách du lịch đến Ninh Bình tăng cao... Tuy nhiên, do kinh tế thế giới chưa hồi phục; đất nước đang trong quá trình hội nhập; sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam còn thấp, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực còn nhiều bất cập...
Cùng với chính sách điều chỉnh về thuế nhập khẩu và việc tăng lương tối thiểu cho lực lượng công chức, viên chức, hưu trí có thể gây ra "hiệu ứng" tâm lý tăng giá lương thực, thực phẩm, sắt thép, xi măng, phân bón... Đó cũng là khó khăn cho việc chống suy thoái kinh tế, duy trì tăng trưởng, đảm bảo an sinh xã hội của cả nước nói chung và tỉnh Ninh Bình nói riêng trong thời gian tới.
Đinh Chúc