Trong 3 quý đầu năm 2016, các sản phẩm: Phân đạm, kính nổi, camera module gặp nhiều khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, do vậy sản lượng đạt thấp so với kế hoạch đề ra. Tuy nhiên một số sản phẩm chủ lực, truyền thống của tỉnh lại có bước phát triển mạnh mẽ như: xe ô tô 5-14 chỗ ngồi ước đạt 7 nghìn chiếc, vượt 48,4% kế hoạch và gấp 2 lần so với năm 2015; xi măng clinke ước đạt gần 11,6 triệu tấn, vượt 1,4% kế hoạch, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước; nước máy thương phẩm vượt 19,6% kế hoạch và tăng 16,2% so với cùng kỳ; thép cán các loại vượt 8,7% kế hoạch, tăng 17,5% so với cùng kỳ. Phát triển tiểu thủ công nghiệp được tập trung rà soát , điều chỉnh theo quy hoạch, trong đó chú trọng phát triển các làng nghề, làng nghề truyền thống (cói, thêu ren, chế tác đá mỹ nghệ...) Tổng giá trị sản xuất công nghiệp (Giá CĐ năm 2010) toàn tỉnh năm 2016 ước đạt 34,5 nghìn tỷ đồng, tăng 5,1% so với năm 2015.
Sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng của rét đậm đầu vụ đông xuân và vụ mùa bị tác động của cơn bão số 1. Song các cấp, các ngành và nhân dân trong tỉnh đã nỗ lực ổn định diện tích, duy trì năng suất cây trồng ở mức cao nhất. Giá trị sản xuất toàn ngành ước đạt 8,3 nghìn tỷ đồng, tăng 2,7% so với năm trước và vượt 0,6% so với kế hoạch.
Năng suất lúa vụ đông xuân tăng 0,3 tạ/ha so với vụ đông xuân trước, nhưng vụ mùa lại giảm 2,3% so với vụ mùa trước. Diện tích lúa chất lượng cao trong toàn tỉnh tăng 1,76 nghìn ha, chiếm 44.9% diện tích gieo cấy lúa.
Năng suất một số loại cây trồng tăng mạnh so với vụ trước: Ngô tăng 11,5%, lạc tăng 14,4%, đậu tương tăng 2%...Chăn nuôi gia súc, gia cầm có sự khởi sắc rõ rệt với tổng đàn bò vượt 34,2% kế hoạch, tăng 23,4% so với cùng kỳ; đàn lợn vượt 22,5% kế hoạch, tăng 4,7% so với cùng kỳ; đàn dê vượt 11,2% kế hoạch, tăng 2% so với cùng kỳ; đàn gia cầm vượt 20,5% kế hoạch, tăng 5,3% so với cùng kỳ.
Công tác xây dựng nông thôn mới tiếp tục được quan tâm chỉ đạo và đẩy mạnh ở tất cả các xã và huyện đăng ký về đích trong năm 2016; trong năm Tỉnh đã xét và công nhận đạt chuẩn nông thôn mới cho 20 xã và đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện Hoa Lư đạt chuẩn nông thôn mới.
Các ngành dịch vụ tiếp tục phát huy nội lực và có sự phát triển mạnh với tổng giá trị ước đạt trên 19,1 nghìn tỷ đồng, tăng 9,8% so với năm trước và vượt 1,6% so với kế hoạch đề ra.
Tổng thu ngân sách trên địa bàn ước đạt 5.470 tỷ đồng, vượt 14,3% dự toán; trong đó: Thuế, phí, lệ phí và thu khác ước đạt 3.270 tỷ đồng, vượt 12,6% dự toán; thu tiền sử dụng đất đạt 700 tỷ đồng, bằng 50% dự toán; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 1.500 tỷ đồng, vượt 87,5% so với dự toán được giao.
Ngành ngân hàng đảm bảo đủ, kịp thời vốn vay để phát triển sản xuất và tiêu dùng của nhân dân với tổng dư nợ cho vay ước đạt 57,9 nghìn tỷ đồng, tăng 18,6% so với cùng kỳ (riêng ngân hàng CSXH đạt tổng dư nợ 1,92 nghìn tỷ đồng, tăng 6,84% so với cùng kỳ); tổng nguồn vốn huy động được ước đạt 32,5 nghìn tỷ đồng, tăng 23,9% so với cùng kỳ.
Trong năm lượng khách du lịch đến Ninh Bình ước đạt 6,5 triệu lượt người, tăng 8,5% so với năm trước và vượt 4,8% so với kế hoạch; số lượt khách du lịch lưu trú lại là 523,3 nghìn lượt, tăng 24,5% so với cùng kỳ; doanh thu du lịch ước đạt 1,725 nghìn tỷ đồng, tăng 21,4% so với cùng kỳ năm trước.
Hoạt động xuất khẩu có nhiều cố gắng, tổng kim ngạch ước đạt trên 1 tỷ USD với các sản phẩm công nghiệp chủ lực như: Ximăng Clinke, linh kiện điện tử...
Hoạt động đầu tư tiếp tục phát triển và được cơ cấu lại theo hướng tích cực với các nguồn vốn đầu tư vào sản xuất kinh doanh tăng khá. Tổng vốn đầu tư phát triển xã hội ước đạt trên 22,5 nghìn tỷ đồng, tăng 3,3% so với năm trước và vượt kế hoạch đề ra với vốn tín dụng ưu đãi gấp 2,63 lần, vốn doanh nghiệp tăng 2,7 lần, vốn FDI tăng 30,9% so với cùng kỳ năm trước.
Tỉnh tiếp tục quan tâm, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư, thu hút nguồn vốn ngoài nhà nước, nguồn vốn ODA ... và đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho 36 dự án với tổng vốn đăng ký là 5.403 tỷ đồng (có 7 dự án trong khu công nghiệp với số vốn đăng ký là 2.726 tỷ đồng); cấp điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư cho 40 lượt dự án (khu công nghiệp điều chỉnh 17 lượt dự án).
Trong năm một số dự án, công trình trọng điểm có vốn đầu tư lớn được đẩy mạnh tiến độ: Đường QL1A tránh TP Ninh Bình; đường kết nối cao tốc cầu Giẽ-Ninh Bình với QL1A, giai đoạn II; nâng cấp đê Hữu Hoàng Long, sông Đáy kết hợp với đường giao thông Bái Đính-Kim Sơn; nhà máy Giày Adora; hạ tầng các cụm công nghiệp...
Năm 2017, dự báo kinh tế trong nước tiếp tục có diễn biến phức tạp, phục hồi chậm, không đồng đều và còn tiềm ẩn nhiều rủi ro... tác động đa chiều đến nền kinh tế của Tỉnh; trong khi đó nền kinh tế của Tỉnh còn có những tồn tại, hạn chế...
Vì vậy, mỗi ngành, lĩnh vực, địa phương cần nghiên cứu kỹ điều kiện, tình hình cụ thể của mình mà xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội cho sát và phù hợp.
Mục tiêu chung của Tỉnh là giữ ổn định về phát triển kinh tế, duy trì tốc độ tăng trưởng hợp lý ngành công nghiệp và dịch vụ; phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững kết hợp với xây dựng nông thôn mới.
Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chính sách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp phát triển, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp.
Đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, thu hút đâu tư tại các khu, cụm công nghiệp, ưu tiên thu hút các dự án công nghệ cao, công nghệ sạch, có hiệu quả kinh tế lớn.
Triển khai tốt cơ chế quản lý đầu tư, quản lý ngân sách theo quy định mới. Tiếp tục thực hiện tốt các mục tiêu về an sinh xã hội, chú trọng công tác bảo vệ môi trường và nâng cao đời sống nhân dân.
Đinh Chúc