Văn phòng điều phối xây dựng NTM tỉnh cho biết: Trong số 25 xã được chọn làm trước (Giai đoạn 2010-2015), hiện đã có 1 xã (Khánh Thành-Yên Khánh) được duyệt quy hoạch xây dựng NTM; 18 xã đã xây dựng và đang lấy ý kiến nhân dân; 6 xã đang triển khai lập quy hoạch. Về Đề án xây dựng NTM có 4 xã đang trình duyệt, 4 xã đang lấy ý kiến nhân dân và 17 xã đang lập. Các xã còn lại đang trong giai đoạn xây dựng (lập quy hoạch và đề án), hoặc đang lấy ý kiến nhân dân.
Theo đánh giá của Ban chỉ đạo xây dựng NTM tỉnh thì tiến độ lập quy hoạch và Đề án như hiện nay là chậm và nếu không chỉ đạo, lãnh đạo quyết liệt sẽ không hoàn thành mốc thời gian đã đề ra là xong trước 30-11 đối với xã được chọn làm trước; các xã khác hoàn thành trước ngày 31-12.
Qua điều tra, khảo sát thực trạng nông nghiệp, nông thôn của các xã trong tỉnh và đối chiếu với Bộ tiêu chí Quốc gia cho thấy: Đối với các xã được chọn làm trước có 6 xã đạt và cơ bản đạt từ 6-9 tiêu chí; 19 xã đạt từ 10-14 tiêu chí. Với các xã còn lại có 12 xã đạt và cơ bản đạt từ 3-5 tiêu chí; 65 xã đạt từ 6-9 tiêu chí; 43 xã đạt từ 10-15 tiêu chí. Các tiêu chí đạt và cơ bản đạt: An ninh trật tự xã hội có 112 xã đạt; Hình thức tổ chức sản xuất (97 xã); Điện (81 xã); Y tế (61 xã); Văn hóa (56 xã); Giáo dục (83 xã); Bưu điện (60 xã); Nhà ở (44 xã). Các tiêu chí chưa đạt phổ biến là: Hộ nghèo (118 xã); Chuyển dịch cơ cấu lao động (118 xã); Quy hoạch (115 xã); Thu nhập (114 xã); Chợ (108 xã); Cơ sở vật chất văn hóa (103 xã); Môi trường (98 xã); Thủy lợi (98 xã); Giao thông nông thôn xóm, nội đồng (95 xã)…
Rõ ràng nhóm tiêu chí Kinh tế (Hộ nghèo, Thu nhập, Cơ cấu lao động) có số xã chưa đạt được rất cao và đây là "Bài toán khó" trong xây dựng NTM. Muốn giảm nghèo, tăng thu nhập cho người nông dân trên cơ sở đó nâng cao đời sống cho họ cả về vật chất lẫn tinh thần, thực hiện chuyển dịch phân công lại lao động trong nông nghiệp, nông thôn… thì "con đường" tất yếu là phải phát triển kinh tế, mở mang sản xuất cả về chiều rộng lẫn chiều sâu, nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị trong sản xuất nông nghiệp. Trồng cây gì, nuôi con nào? Hay nói cách khác là mô hình sản xuất nào? để có kết quả và đem lại hiệu quả cao. Đây cũng là sự trăn trở của các cấp, các ngành. ở lĩnh vực trồng trọt, các địa phương ngoài việc lựa chọn các giống lúa có năng suất cao đưa vào đồng ruộng còn tập trung phát triển các giống lúa chất lượng cao; trồng các loại cây màu, hoa quả có giá trị kinh tế, bước đầu hình thành các vùng chuyên canh mang tính chất sản xuất hàng hóa. Chăn nuôi, thủy sản đang chuyển dịch, phát triển theo hướng trang trại, gia trại… theo hướng sản xuất lớn. Ngành nghề trong nông thôn được chú trọng duy trì và khôi phục…
Mặc dù vậy, có thể thấy rằng: Năng suất lúa gần như đã kịch "trần"; Giống lúa chất lượng cao, giá trị thường lại đối lập với năng suất. Các mô hình sản xuất có kết quả, hiệu quả thì việc nhân rộng, mở rộng ra đại trà gặp khó khăn do năng lực, trình độ, địa thế và nguồn vốn. Cây ăn quả, cây có giá trị kinh tế cao lại gặp trở ngại của thị trường tiêu thụ… Ngành nghề phụ không phải nơi nào cũng duy trì và phát triển được.
Những trở ngại đó đã và đang kiềm chế sự phát triển kinh tế trong nông nghiệp, nông thôn, gây khó khăn lớn cho xây dựng NTM. Đấy là chưa kể đến việc, để thực hiện được nhóm tiêu chí này thì những tiêu chí khác như: Quy hoạch vùng sản xuất: cây, con gì, ở đâu? Phát triển cơ sở hạ tầng tương ứng: Đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng; hệ thống kênh mương cần và đủ cho sản xuất; nâng cao dân trí và trình độ tổ chức, quản lý sản xuất cho cán bộ nông thôn và người nông dân; Nguồn vốn đầu tư cho sản xuất… phải được thực hiện trước "một bước".
Từ tình hình thực tiễn trên cho thấy, nhóm tiêu chí kinh tế trong xây dựng nông thôn mới, thực hiện được sẽ không dễ dàng, cần phải có thời gian và sự đầu tư thỏa đáng cả về vật chất lẫn chủ trương, định hướng, phương pháp và tổ chức thực hiện.
Đinh Chúc