Để nâng cao chất lượng phong trào, Hội Nông dân thị xã đã chú trọng công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật và xây dựng mô hình điểm. Trung bình mỗi năm Hội phối hợp mở được khoảng 60 buổi tập huấn cho gần 4 nghìn lượt hội viên nông dân, mở từ 10-15 lớp dạy nghề. Chương trình dạy nghề tương đối phù hợp với hướng phát triển kinh tế của địa phương như nghề trồng trọt, chăn nuôi con đặc sản, nghề trồng hoa cây cảnh, nghề may công nghiệp… Bên cạnh đó, hàng năm Hội chỉ đạo Hội nông dân cơ sở đăng ký các mô hình, chọn những nơi có phong trào và lấy các trang trại, các hộ sản xuất, kinh doanh làm địa bàn chỉ đạo đảm bảo có quy mô và điều kiện sản xuất phù hợp với yêu cầu của từng mô hình để thực hiện; phối hợp với các cơ quan chuyên môn tập huấn kỹ thuật, chỉ đạo theo dõi, sơ kết mô hình, tổ chức hội nghị đầu bờ để rút kinh nghiệm. Thực tế cho thấy một số mô hình đã mang lại hiệu quả kinh tế cao như mô hình cây con đặc sản tại chi hội 12 xã Đông Sơn, mô hình nuôi cua đồng , trồng hoa ly tại xã Yên Sơn. Nhiều mô hình đã được nhân ra diện rộng, được các địa phương lân cận tới tham quan, học tập kinh nghiệm.
Với phương châm là tuyên truyền, vận động kết hợp với hỗ trợ nông dân, Hội đã quan tâm tạo nguồn vốn hỗ trợ nông dân như huy động nguồn vốn từ quỹ hỗ trợ nông dân, các dự án của Trung ương Hội, Tỉnh hội và ký hợp đồng ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội. Đến nay số dư nợ do Hội quản lý khoảng 40 tỷ đồng cho hơn 2 nghìn lượt hộ vay. Hầu hết các tổ tiết kiệm vay vốn do Hội quản lý không có nợ quá hạn phát sinh, nguồn vốn vay phát huy hiệu quả. Thực hiện chương trình liên kết 4 nhà, Hội đã ký với Nhà máy Phân lân Ninh Bình, Công ty Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao và nhiều doanh nghiệp khác để tiêu thụ sản phẩm, mua phân bón, thức ăn gia súc trả chậm nhằm hỗ trợ hội viên phát triển sản xuất, góp phần hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi ở một số địa phương. Đồng thời các cấp Hội đã tạo mọi điều kiện tổ chức cho nông dân tham quan học tập các mô hình kinh tế trong và ngoài tỉnh để có kiến thức thực tế áp dụng vào sản xuất. Từ hoạt động thực tiễn của Hội đến nay toàn thị xã có 1.697 hộ sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, tăng 185 hộ so với năm 2008. Đây là lực lượng nòng cốt góp phần làm chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đồng thời là lực lượng tích cực tham gia đóng góp xây dựng kết cấu hạ tầng cơ sở và chia sẻ nhiều kinh nghiệm quý cho các hội viên nông dân. Đặc biệt tham gia chương trình giảm nghèo của thị xã, các hộ sản xuất, kinh doanh giỏi hàng năm đã giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động với mức thu nhập từ 2,5 đến 3 triệu đồng/người/tháng và giúp đỡ hộ nghèo về giống, vốn, kinh nghiệm sản xuất, bao tiêu sản phẩm… Từ năm 2008 đến nay, Hội đã giúp được 99 hộ hội viên nông dân vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
Thực tế cho thấy phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi đã có ảnh hưởng và sức lan tỏa nhanh cả bề rộng và chiều sâu tới tất cả các địa phương trên địa bàn thị xã, làm chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và tư duy, khơi dậy tiềm năng sáng tạo của nông dân trong phát triển kinh tế, văn hóa, tham gia xây dựng nông thôn mới, xây dựng gia đình văn hóa...
Về kinh nghiệm chỉ đạo triển khai phong trào, lãnh đạo Hội Nông dân thị xã Tam Điệp cho biết: Cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước là điều kiện tiên quyết để nông dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng, song không thể thiếu được sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, sự tạo điều kiện của chính quyền địa phương, sự phối kết hợp của các ban, ngành, đoàn thể. Trong đó, Hội Nông dân phải luôn giữ vai trò chủ động trong việc tham mưu với cấp ủy, chính quyền và chủ động bắt tay với các ngành, các doanh nghiệp trong việc hỗ trợ nông dân về giống, vốn, kinh nghiệm sản xuất…
Việt Hải