Tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới được tỉnh Quảng Ninh xác định là nhiệm vụ trọng yếu của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; là cuộc vận động toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Chính bởi vậy, tỉnh Quảng Ninh luôn có những chỉ đạo sát sao, có những quyết sách thực hiện mang tầm chiến lược và dài hơi. Riêng đối với nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh có Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 27-10-2010 về xây dựng nông thôn mới đến năm 2020; sớm thành lập Ban Xây dựng Nông thôn mới tỉnh (năm 2010); 100% huyện, thị trong tỉnh có tổ công tác giúp việc về xây dựng nông thôn mới; ở cấp xã cũng bố trí lãnh đạo và cán bộ chuyên trách phụ trách lĩnh vực này.
Đối với tái cơ cấu nông nghiệp, tỉnh Quảng Ninh đẩy mạnh thu hút đầu tư vào nông nghiệp, bước đầu đã có những dự án về sản xuất nông nghiệp chất lượng cao. Tỉnh Quảng Ninh đã tăng cường tiến trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nông nghiệp nhà nước; chuyển đổi mô hình hoạt động một số đơn vị trực thuộc ngành theo hướng tự chủ, tinh giản biên chế; hình thành và đi vào hoạt động hiệu quả 17 vùng sản xuất nông nghiệp tập trung và giá trị cao, trong đó đặc biệt là vùng sản xuất dược liệu; công tác đảm bảo an toàn thực phẩm và xây dựng thương hiệu cho nông sản; lấy sản xuất nông nghiệp công nghệ cao làm hạt nhân…
Tái cơ cấu nông nghiệp Quảng Ninh thể hiện rất rõ nét trong từng lĩnh vực hoạt động của ngành. Cụ thể trong trồng trọt, tập trung đa dạng hóa cây trồng, sản phẩm, phát huy lợi thế vùng, miền; trong chăn nuôi, ưu tiên sản xuất một số loại vật nuôi có khả năng cạnh tranh cao, khuyến khích đầu tư hệ thống giết mổ gia súc, gia cầm; Tái cơ cấu ngành thủy sản theo hướng phát triển toàn diện cả về nuôi trồng, khai thác, chế biến và dịch vụ hậu cần nghề cá. Ngành lâm nghiệp tái cơ cấu theo hướng phát triển rừng trồng gỗ lớn, thực hiện cổ phần hóa các công ty lâm nghiệp…
Trong xây dựng nông thôn mới, Quảng Ninh xác định chủ thể của nông thôn mới chính là nông hộ và nông thôn mới phải được xây dựng theo phương châm dựa vào nguồn lực cộng đồng dân cư, vì vậy mọi việc phải được dân biết, dân bàn, dân làm và dân hưởng thụ.
Tỉnh Quảng Ninh tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng trọng yếu, triển khai đến đâu hoàn thành dứt điểm đến đó nhằm phát huy hiệu quả, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân. Phân cấp giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các địa phương; giảm dần đầu tư từ ngân sách, huy động tốt các nguồn lực đầu tư toàn xã hội. Xây dựng nông thôn mới được tiến hành đồng thời ở tất cả các xã, thực hiện đồng bộ tất cả các tiêu chí, ưu tiên vốn ngân sách đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội cho các địa phương thực hiện tốt các tiêu chí không cần vốn đầu tư và những địa phương có khả năng về đích sớm.
Quảng Ninh đã sớm triển khai chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm (OCOP) nhằm phát huy các sản phẩm thế mạnh của địa phương, từng bước nâng cao đời sống nhân dân; thí điểm triển khai xây dựng mô hình nông thôn tiên tiến để tiến tới nhân rộng thành diện trên toàn tỉnh; dành cơ chế riêng để xây dựng nông thôn mới ở 22 xã và 11 thôn vùng đặc biệt khó khăn 135…
Chính từ quyết tâm và nỗ lực rất lớn của tỉnh, các sở, ban, ngành, địa phương và nhân dân nên nhiệm vụ tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới của Quảng Ninh đã đạt kết quả rất nổi bật. Hiện nông nghiệp Quảng Ninh đang được đánh giá là "mảnh đất màu mỡ" thu hút doanh nghiệp vào đầu tư.
Các lĩnh vực sản xuất của ngành đều đạt kết quả tốt, trong đó riêng thủy sản có sản lượng lớn và chất lượng cao so với các trọng tâm sản xuất thủy sản lớn của cả nước. Đặc biệt thời gian qua trong bối cảnh tăng trưởng ngành nông nghiệp cả nước trong mức âm thì Quảng Ninh luôn đạt cao, 6 tháng đầu năm 2016 có mức tăng trưởng 2,7%...
Đối với kết quả xây dựng nông thôn mới, hiện bộ mặt nông thôn Quảng Ninh đã thay đổi. Toàn tỉnh có 100% số xã có đường trục xã, liên xã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa, đường liên thôn được cứng hóa; có nhà văn hóa đảm bảo đủ điều kiện hoạt động; Trên 97% số xã trở lên có điểm bưu điện văn hóa xã,có hệ thống điện cơ bản đạt yêu cầu kỹ thuật ngành điện, người dân sử dụng điện lưới an toàn, ổn định, tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên...
Tỷ lệ hộ nghèo nông thôn giảm rõ rệt, từ 7,68% năm 2010 xuống còn 1,55% năm 2015, trong khi đó thu nhập của người dân khu vực nông thôn tăng từ 10,98 triệu đồng/năm (năm 2010) lên 29,533 triệu đồng/năm (năm 2015), gấp 2,69 lần. Đặc biệt, đến tháng 3/2016, Quảng Ninh đã có 2 địa phương là thị xã Đông Triều và huyện Cô Tô được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Riêng thị xã Đông Triều là địa phương đầu tiên của khu vực phía Bắc được Thủ tướng Chính phủ trao tặng danh hiệu này.
Tỉnh Quảng Ninh cũng đã được Chính phủ biểu dương và đánh giá là 1 trong 13 tỉnh, thành phố có thành tích tốt nhất cả nước trong xây dựng nông thôn mới 5 năm qua (2010 - 2015) và được trao Huân chương Lao động hạng Nhất kèm một công trình phúc lợi trị giá 30 tỷ đồng.
Báo Quảng Ninh, với chức năng, nhiệm vụ của mình, thời gian qua đã thông tin, tuyên truyền hiệu quả những cách làm hay, sáng tạo, những điển hình tiên tiến trong tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Trong đó Báo Quảng Ninh tập trung nâng cao dung lượng và tần suất đăng tải lượng thông tin cũng như nâng cao chất lượng thông tin trong từng bài viết về tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.
Trên báo in, mỗi tháng Báo Quảng Ninh dành 3 chuyên trang cho các nội dung về tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới là: "Nông thôn mới", "Nông dân" và "Nông nghiệp - Nông thôn". Mỗi trang chuyên đề bao gồm từ 4 - 5 tác phẩm báo chí (bài viết, chùm ảnh, cụm tin, cụm ý kiến…) được phản ánh dưới nhiều góc độ, khía cạnh khác nhau về một chủ đề, chủ điểm nhất định.
Qua đó các trang chuyên đề này luôn đưa tới bạn đọc thông tin một cách tương đối tổng thể, sâu sắc, đa chiều, tạo nên sự hấp dẫn đối với người đọc. Bên cạnh đó, Báo Quảng Ninh đăng tải lượng lớn các bài viết lẻ, các chuyên đề (2 đến 3 bài/chuyên đề) về các vấn đề liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn…; biên tập, đăng tải trên báo những văn bản chính sách, chế độ của Đảng, Nhà nước, của các bộ, ngành liên quan đến các hoạt động tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.
Trên Báo Quảng Ninh điện tử cũng đã dành hẳn một chuyên mục "Nông nghiệp" và "Nông thôn mới", cập nhật thường xuyên các bài viết về nội dung tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn trên báo in, đồng thời đăng tải các video clip về nội dung này. Theo ước tính trung bình mỗi tháng đăng tải từ 30 - 50 tin, bài, ảnh, video clip về lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Có thể khẳng định, công tác tuyên truyền về thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới trên Báo Quảng Ninh đã thực sự bám sát cơ sở, chủ động, được thực hiện đa dạng, phong phú với nhiều thể loại báo chí, nhiều nội dung chủ đề mang loại hiệu quả tích cực, thiết thực.
Đơn cử như thông tin, tuyên truyền về Chương trình OCOP "Mỗi xã, phường một sản phẩm", Báo đã tập trung giới thiệu những mô hình, những cách làm hay, những sản phẩm tiêu biểu nhờ đó những sản phẩm đặc trưng của các địa phương trong tỉnh như Gà Tiên Yên, rượu Ba Kích (Ba Chẽ), miến dong Bình Liêu, Chả mực Hạ Long… đã được người tiêu dùng cả nước biết đến…
Nhằm có nhiều tác phẩm báo chí viết về tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới có chất lượng cao, Báo Quảng Ninh giao Phòng Kinh tế phụ trách chính trong công tác tuyên truyền. Phòng Kinh tế phân công phóng viên phụ trách ngành và giao nhiệm vụ, trách nhiệm cụ thể, trong đó phóng viên nhất định phải bám sát các hoạt động của đơn vị để tuyên truyền.
Hiện Báo Quảng Ninh đang cử 1 phóng viên phụ trách Hội Nông dân, 2 phóng viên phụ trách Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và 1 phóng viên phụ trách Ban Nông thôn mới tỉnh. Các phóng viên này luôn phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành; tìm hiểu nắm bắt những kiến nghị, đề xuất, ý kiến của địa phương, nhân dân, doanh nghiệp để chủ động nắm bắt thông tin, chủ trương, kế hoạch hành động cũng như thực tế triển khai, từ đó tổ chức tuyên truyền đúng hướng, phù hợp, hiệu quả. Khi thể hiện tác phẩm luôn có số liệu cụ thể, dẫn chứng ý kiến của người nông dân, cũng như các cấp có thẩm quyền, bám sát tiến trình chuyển động của sự việc.
Cùng với Phòng Kinh tế, các phòng nghiệp vụ khác đều được giao phụ trách thông tin, tuyên truyền những tiêu chí xây dựng nông thôn mới liên quan đến nhiệm vụ được giao của các phòng.
Đặc biệt, Báo Quảng Ninh đã giao cho Chi hội Nhà báo Báo Quảng Ninh phụ trách chuyên trang Nông thôn mới, hàng tháng chịu trách nhiệm tổ chức tuyên truyền về nội dung này. Chi hội đã phân công cho các Phòng nghiệp vụ hàng tháng xây dựng nội dung và thực hiện tuyên truyền theo từng chuyên đề cụ thể. Nhờ cách làm này, công tác tuyên truyền về nông thôn mới luôn phong phú, đa dạng, bao quát được nhiều vấn đề, lĩnh vực.
Báo Quảng Ninh đã cùng Ban Xây dựng nông thôn mới phối hợp trong việc phát hành báo đến các nhà văn hóa của các thôn, khu.
Từ những kết quả đã đạt được trong công tác tuyên truyền về tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới thời gian qua, Báo Quảng Ninh đã rút ra một số bài học kinh nghiệm là:
1. Cần dành dung lượng và tần suất đăng tải lớn với nhiều hình thức thể hiện cho các thông tin về tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.
2. Bằng những giải pháp cụ thể tiếp tục nâng cao chất lượng tin, bài, ảnh, video clip… phản ánh về nội dung tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.
3. Ngoài việc tuyên truyền hàng ngày, cần phải có những chuyên trang, chuyên đề trọng tâm, trọng điểm tuyên truyền sâu, nhằm làm nổi bật những thành tựu của từng giai đoạn, từng lĩnh vực trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới…
4. Cần phải xây dựng đội ngũ cộng tác viên am tường về lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn để có những bài viết đánh giá chuyên môn sâu.
Hiện nay, quá trình tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đang tiếp tục được đẩy mạnh với nhiều cách làm hay, những điển hình mới. Trong tiến trình đó, Báo Quảng Ninh cũng sẽ tiếp tục bám sát để làm tốt công tác tuyên truyền, vừa nâng cao chức năng, nhiệm vụ của mình, vừa góp phần làm nên thành công chung của tỉnh trong việc tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.