Trước đây, gia đình bà Lâm Thị Loan ở xóm 5 (Kim Tân) thuộc hộ gia đình chăn nuôi nhỏ lẻ, hiệu quả kinh tế không cao. Nhận thấy nuôi lợn siêu nạc đem lại thu nhập cao, gia đình bà đã quyết định chuyển đổi mô hình nuôi lợn truyền thống sang mô hình nuôi lợn siêu nạc.
Hiện trang trại chăn nuôi của gia đình bà có quy mô lên đến hàng chục con lợn sinh sản và hàng trăm con lợn thương phẩm, đảm bảo cung cấp đủ lợn giống cho gia đình và bà con trong xã. Mỗi năm gia đình bà xuất chuồng 40 tấn lợn hơi, bình quân thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.
Bà Loan cho biết, thực hiện chuyển đổi mô hình kinh tế theo hướng gia trại đã giúp gia đình thay đổi cung cách làm ăn, việc vay vốn cũng được thuận lợi hơn. Nhờ sự hỗ trợ của các cấp chính quyền trong việc tạo điều kiện giúp gia đình vay vốn đầu tư chăn nuôi, gia đình bà đã từng bước thoát nghèo.
Tuy nhiên, theo bà Loan, chăn nuôi là lĩnh vực chứa đựng nhiều rủi ro, vì vậy, bà mong muốn tiếp tục được chính quyền xã hỗ trợ hơn nữa, tăng nguồn vốn vay ưu đãi để gia đình có thể mở rộng quy mô, tạo việc làm, tăng thu nhập cho gia đình.
Thực hiện tiêu chí nâng cao thu nhập cho người dân trong chương trình xây dựng nông thôn mới, xã Kim Tân đã tạo điều kiện để người dân tiếp cận được với nguồn vốn vay ưu đãi cho sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trong việc phát triển kinh tế gia đình.
Đồng thời, khuyến khích người dân phát huy thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp, mạnh dạn đầu tư phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi thủy sản. Toàn xã hiện có 6 trang trại chăn nuôi quy mô lớn, bình quân thu nhập mỗi năm đạt từ 100 đến 150 triệu đồng/hộ.
Trong chăn nuôi gia súc và nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản, Kim Tân tập trung tuyên truyền, vận động nông dân tuân thủ nghiêm các biện pháp kỹ thuật, nhất là việc lựa chọn giống, nguồn thức ăn, cách phòng, điều trị bệnh và giữ vệ sinh môi trường chăn nuôi. Vì vậy, nhiều hộ hạn chế được rủi ro, có thu nhập ổn định.
Không chỉ tập trung phát triển về nông nghiệp, trong lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp, Kim Tân cũng vận động nhân dân thực hiện đa dạng hóa các ngành nghề, giải quyết việc làm. Hiện nay, nhiều ngành nghề đã mang lại nguồn thu nhập chính cho nhiều gia đình như: nghề may, chế biến cói, bèo bồng, hàng thủ công mỹ nghệ, dịch vụ cơ khí…
Toàn xã hiện có 3 cơ sở may gia công tại địa phương, 48 tổ sản xuất cơ khí sửa chữa nhỏ, mộc dân dụng. Tổng doanh thu từ sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của xã bình quân hàng năm đạt trên 50 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động địa phương.
Cùng với đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, Kim Tân đặc biệt chú trọng nâng cao vai trò của đội ngũ cán bộ cơ sở; nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX nông nghiệp; tạo điều kiện cho hộ nghèo được tiếp cận tiến bộ KHKT, sớm đưa hộ nghèo thoát ra khỏi tình trạng thiếu kiến thức khoa học trong sản xuất...
Các tổ chức Hội, đoàn thể tích cực vào cuộc trong việc đẩy mạnh tuyên truyền làm thay đổi nhận thức hội viên, hộ nghèo, nhằm xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước, tự giác thay đổi cách nghĩ, cách làm để vươn lên phát triển kinh tế gia đình.
Đồng thời, xã chỉ đạo các Hội, đoàn thể có trách nhiệm giúp đỡ đoàn viên, hội viên về sử dụng vốn, kiểm tra cách thức làm ăn của các hộ để có sự hướng dẫn cụ thể hơn. Các tổ chức Hội, đoàn thể đã chủ động phối hợp với Phòng Nông nghiệp huyện, Trung tâm dạy nghề huyện mở các lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ KHKT cho nông dân.
Các lớp tập huấn ngắn ngày, các lớp học nghề đã giúp cho người nghèo chưa có việc làm trên địa bàn tiếp thu được những kiến thức nhất định, những kinh nghiệm trong sản xuất sử dụng đồng vốn cũng như sự giúp đỡ, chia sẻ của cộng đồng một cách hiệu quả.
Bằng việc làm cụ thể, hướng đi phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của xã Kim Tân chỉ còn 5,24%; thu nhập bình quân đầu người đạt gần 22 triệu đồng/năm. Kim Tân đã đạt 10/19 tiêu chí theo Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Đây là động lực quan trọng để Kim Tân tiếp tục phấn đấu trong hành trình xây dựng nông thôn mới.
Đức Nghĩa