Quy hoạch lại sản xuất
Có vị trí địa lý đặc thù nên Kim Tân thường xuyên phải hứng chịu những diễn biến khắc nghiệt của thời tiết, tác động trực tiếp đến tình hình sản xuất, đời sống của nhân dân. Bên cạnh đó, trình độ thâm canh nông nghiệp thấp, ruộng đồng manh mún, nhỏ lẻ nên sản lượng nông nghiệp không cao.
Ông Nguyễn Văn Tăng, Chủ tịch UBND xã Kim Tân cho biết: Ngành nghề kinh tế chưa phát triển, nông nghiệp manh mún, đời sống người dân còn nhiều khó khăn nên khi bắt tay vào thực hiện chương trình xây dựng NTM, Kim Tân phải đối mặt với không ít những thách thức. Khó khăn về kinh tế, nội lực không có kéo theo hàng loạt các vấn đề khác như giao thông, văn hóa, môi trường...
Trước thực trạng đó, xã xác định việc cần làm trước tiên là phải quy hoạch lại sản xuất, đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật…, qua đó nâng cao thu nhập cho người dân.
Thời gian qua, nhiều mô hình luân canh, chuyển đổi cây trồng đã được đưa vào trình diễn, thử nghiệm. Trong đó đã có những mô hình đã và đang đem lại hiệu quả kinh tế cao, được người dân trong xã áp dụng nhân rộng như: mô hình trồng hoa huệ với thu nhập 30-40 triệu đồng/sào/năm, mô hình trồng dưa lê thu nhập 4-5 triệu đồng/sào/vụ, mô hình trồng cà chua, rau vụ đông…
Năm 2014, sau khi thực hiện thành công công tác dồn điền, đổi thửa, nông dân đã đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa, đưa các máy làm đất lớn, máy gặt đập liên hợp vào sản xuất, góp phần giảm công lao động, giảm chi phí, tăng năng suất trong canh tác.
Hiện nay, có 80% diện tích lúa của Kim Tân được gieo cấy bằng các giống lúa chất lượng cao, lúa nếp đem lại giá trị thương phẩm rất lớn. Bên cạnh đó, xã cũng đã vận động bà con chuyển đổi những diện tích cấy lúa hiệu quả thấp sang mô hình chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản hoặc chăn nuôi kết hợp với trồng cây ăn quả.
Đặc biệt, vụ đông xuân 2016, lần đầu tiên 10 ha ruộng ở cánh đồng 12 - vùng đất xa khu dân cư, quanh năm úng ngập đã được một số nông dân chuyển đổi đưa con tôm thẻ chân trắng vào nuôi thử nghiệm. Kết quả ngoài sự mong đợi, tôm sinh trưởng, phát triển tốt, cho lợi nhuận hàng trăm triệu đồng trên mỗi ha.
Cùng với các cán bộ xã đến thăm đầm tôm thẻ của ông Nguyễn Thế Cầu, xóm 2, Kim Tân chúng tôi không khỏi ngạc nhiên. Mặc dù đã là cuối vụ, tôm đã được gia đình thu tỉa nhiều lần trước đó nhưng chỉ cần thả lú dăm mười phút khi nhấc lên đã có tới 3-4 kg tôm.
Ông Cầu phấn khởi cho biết: Năm nay là vụ đầu tiên gia đình tôi làm ăn trên mảnh đất này, lại mạo hiểm đưa con tôm thẻ vốn chỉ nuôi trong nước mặn về nuôi ở vùng nước ngọt cũng rất lo lắng nhưng thật không ngờ lại "trúng đậm". Con tôm thích nghi với vùng nước có độ mặn thấp này, sinh trưởng phát triển tốt, thậm chí chống chịu với sự biến đổi của thời tiết khá hơn tôm khi nuôi ở vùng nước mặn.
Từ lúc thả đến nay mới nuôi được gần 90 ngày mà tôm đã đạt trọng lượng 150 con/kg. Tính ra như vậy là "thắng" bởi vốn đầu tư thức ăn, con giống không đáng là bao mà hiện tại gia đình đã thu được hơn 1 tấn tôm, tương đương với 120 triệu đồng.
Còn nhiều thách thức
Từ những đổi mới tư duy đến thực tiễn đời sống sản xuất, trong những năm qua, xã Kim Tân đã có những bước phát triển ấn tượng. Nhận thức về xây dựng NTM trong cán bộ, đảng viên và nhân dân có sự chuyển biến rõ nét. Kết cấu hạ tầng nông thôn được đầu tư xây dựng, nâng cấp. Đã có 2,7/9 km đường trục xã, 4/12 km đường trục thôn và trên 10 km đường ngõ, xóm được bê tông hóa, nhựa hóa.
Hệ thống điện nông thôn đảm bảo theo yêu cầu kỹ thuật của ngành điện; tỷ lệ hộ được sử dụng điện thường xuyên, an toàn đạt 99%. Các cấp trường học được đầu tư, xây dựng cải tạo cơ bản đảm bảo chuẩn quốc gia. Có 5/13 thôn trong xã đã có nhà văn hóa.
Bên cạnh đó, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện và nâng lên. Năm 2015, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 17,5 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 5,24%; tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên là 90%. Tính đến nay, Kim Tân đã đạt 9/19 tiêu chí trong Bộ tiêu chí Quốc gia về xây dựng NTM.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc xây dựng NTM ở Kim Tân vẫn còn không ít khó khăn. Nguyên nhân, do thời tiết khí hậu những năm qua diễn biến phức tạp, nắng nóng, mưa bão, rét đậm, rét hại kéo dài ảnh hưởng đến sản xuất. Dịch bệnh thường xuyên xảy ra, đặc biệt đối với thủy sản gây thiệt hại về kinh tế cho người dân.
Nguồn vốn đầu tư cho các xã bãi ngang còn hạn chế. Các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng triển khai còn chậm. Cùng với đó là những khó khăn trong huy động sức dân.
Mặc dù, đã hình thành một số mô hình trong sản xuất nông nghiệp có hiệu quả nhưng số mô hình ứng dụng kỹ thuật công nghệ cao có hiệu quả chưa nhiều, chưa có nhiều vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh quy mô lớn và việc nhân rộng còn gặp khó khăn (do thiếu vốn đầu tư hoặc khó khăn ở đầu ra).
Sản xuất nông nghiệp vẫn mang tính truyền thống là chính, vì vậy hiệu quả và thu nhập còn thấp, không ổn định. Chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn cũng như việc sử dụng lao động tại chỗ sau đào tạo nghề vẫn là vấn đề khó của địa phương.
Đặc biệt, nhiều tiêu chí liên quan đến dân sinh và hạ tầng như tiêu chí hộ nghèo, giao thông, môi trường, cơ sở vật chất văn hóa... vẫn đang ở mức thấp.
Theo đó, để nâng cao hiệu quả và bảo đảm tính bền vững của phong trào xây dựng NTM, trong giai đoạn tới Kim Tân xác định tiếp tục lấy phát triển sản xuất làm gốc, lấy tiêu chí tăng thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo vừa là mục tiêu, vừa là động lực để đẩy mạnh thực hiện chương trình đi vào chiều sâu, có tính bền vững.
Về các tiêu chí liên quan đến đầu tư hạ tầng như giao thông nông thôn, thủy lợi nội đồng, trường học, nhà văn hóa…, xã đặt mục tiêu lâu dài sẽ đạt chuẩn theo quy định, tuy nhiên trong giai đoạn trước mắt, chỉ cần đặt ra mức tối thiểu để phấn đấu nhằm bảo đảm cân đối nguồn lực, tránh lãng phí trong đầu tư.
Hà Phương